Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV Quyết sách mới - niềm tin, kỳ vọng mới
Sau gần 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, thẳng thắn thảo luận, tranh luận, kỳ họp thứ 14 (kỳ họp thường lệ giữa năm) của HĐND tỉnh đã thành công, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Kỳ họp được đánh giá có nhiều đổi mới, đột phá, hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, xứng đáng với lòng mong mỏi của nhân dân và cử tri trong tỉnh.
Dấu ấn kỳ họp "mở"
Kỳ họp thứ 14 - kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND tỉnh khóa XIV diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát triển, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, giải phóng các nguồn lực, nhất là những cơ chế, biện pháp trong lĩnh vực kinh tế - ngân sách có tính chiến lược, xuyên suốt cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, đảm bảo thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 và của cả giai đoạn 2021-2025.
Để đáp ứng được sự quan tâm, mong đợi của các cử tri, nhân dân trong toàn tỉnh, kỳ họp giữa năm được tổ chức với tinh thần tiếp tục đổi mới, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả, công tác chuẩn bị các nội dung tại kỳ họp được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo thực hiện sâu sát, kỹ lưỡng, khoa học. Các báo cáo, tờ trình ngắn gọn, súc tích, nêu bật được các nội dung trọng tâm. Đặc biệt, đây tiếp tục là kỳ họp không giấy tờ, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Trước những vấn đề thực tiễn đòi hỏi trong quá trình phát triển cùng những nội dung cử tri kiến nghị, trông đợi, Kỳ họp đã dành 2/3 thời gian cho các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường và phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn có tính xây dựng cao, tại các phiên thảo luận đã có 86 lượt ý kiến, trong đó có 59 lượt ý kiến phát biểu của đại biểu HĐND tỉnh. Các đại biểu đã tâm huyết, tập trung trí tuệ, trách nhiệm, thẳng thắn tham gia thảo luận vào các nhóm vấn đề trọng tâm, nhóm vấn đề còn nhiều trăn trở, định vị rõ những khó khăn, tồn tại, các kế hoạch tăng trưởng, phát triển của tỉnh để từ đó đưa ra các giải pháp điều hành hiệu quả. Các “điểm nghẽn” được chỉ ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KT-XH 6 tháng đã được các thành viên UBND tỉnh báo cáo giải trình làm rõ trước HĐND tỉnh. Cụ thể là các vấn đề liên quan đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm còn thấp, tỷ lệ tạm ứng, thu hồi tạm ứng, giải ngân vốn kéo dài; việc giải ngân vốn chi thường xuyên ngân sách tỉnh thấp, đặc biệt là đối với các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, tiến độ mua sắm tập trung thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu năm 2023; việc xây dựng kế hoạch tinh giản bộ máy biên chế gắn với đề án tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; về vấn đề nợ đọng thuế cao và kết quả thu khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ thấp.
Đại biểu Tô Văn Hải, Chủ tịch HĐND huyện Vân Đồn, Tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô, cho biết: Kỳ họp này tiếp tục là một kỳ họp có nhiều đổi mới, đặc biệt là những vấn đề được đưa ra đều sát thực, khi ban hành sẽ giải quyết được nhiều vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nhất là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, chi thường xuyên đang gặp khó khăn hay như các doanh nghiệp, hợp tác xã cần nguồn lực để phát triển. Các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận sôi nổi và đề nghị người đứng đầu các ngành của tỉnh giải trình trước HĐND tỉnh để làm rõ nguyên nhân những tồn tại, vướng mắc, trách nhiệm của cơ quan quản lý và phải có giải pháp rõ ràng để giải quyết, thúc đẩy sớm công việc.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được đổi mới theo hình thức hỏi nhanh - đáp gọn, đi đúng - trúng, thậm chí xoáy sâu vào các vấn đề dư luận đang đặc biệt quan tâm như vấn đề về điện, gas, an toàn thực phẩm; việc di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong khu dân cư; đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, các giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh; phòng chống tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên; phòng chống đuối nước cho trẻ em. Người chất vấn và được chất vấn đã đi thẳng vào vấn đề, không ngại tranh luận, đi đến cùng vấn đề, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của những người đứng đầu trong chấp hành pháp luật.
Đáng chú ý, ngoài việc thực hiện phát thanh, truyền hình trực tiếp như thường lệ, lần đầu tiên phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp được livestream trên mạng xã hội qua fanpage của Trung tâm Truyền thông tỉnh. Phiên trực tiếp đã có 21.000 lượt xem (đến sáng 12/7 có 26.000 lượt xem), trong đó có 1.200 lượt like, 559 bình luận, 122 lượt chia sẻ; số người xem đồng thời cao nhất là 1.102.
Với hình thức thực hiện livestream trên mạng xã hội đã mở rộng được đối tượng tiếp cận với thông tin của kỳ họp, tạo thêm không gian mở tương tác trực tiếp giữa HĐND tỉnh với cử tri và nhân dân thể hiện hình ảnh chính quyền của dân, do dân, vì dân, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân, cầu thị, lắng nghe và thấu cảm. Việc tổ chức livestream phiên chất vấn trên mạng xã hội đã được nhân dân, cử tri đánh giá cao, tham gia đóng góp trực tiếp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, có trách nhiệm với sự phát triển của tỉnh. Qua đây, khẳng định niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh ngày càng cao.
Theo dõi phiên chất vấn qua livestream trên mạng xã hội, ông Nguyễn Văn Tùng, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, cho biết: HĐND tỉnh đã tổ chức phiên chất vấn có sự đổi mới, thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe nhân dân, cử tri của chính quyền tỉnh. Phiên chất vấn được livestream trên mạng xã hội đã hấp dẫn, thu hút được nhiều cử tri theo dõi, bày tỏ quan điểm trực tiếp. Đặc biệt, tôi đánh giá cao Chủ tọa đã kịp thời tiếp thu ý kiến gửi đến và đề nghị nghị sở, ngành, địa phương giải trình làm rõ như ý kiến về bãi đỗ xe tự phát sử dụng cả vỉa hè, lòng đường, gây mất an toàn giao thông; việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Tôi mong rằng việc đổi mới này tiếp tục được duy trì ở những kỳ họp tiếp theo để cử tri được theo dõi, tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp nhằm xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.
Những đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt trong công tác điều hành, tổ chức kỳ họp đã tác động tích cực, thúc đẩy xây dựng chính quyền Quảng Ninh liêm chính, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhân dân và cử tri trong tỉnh.
"Kim chỉ nam" cho lộ trình phát triển mới
Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định đầu tư công là nguồn lực, động lực cho sự phát triển bền vững, là vốn mồi dẫn dắt đầu tư tư. Trung bình hàng năm, tỉnh Quảng Ninh đều dành trên 15.000 tỷ đồng (bao gồm vốn ngân sách Trung ương, tỉnh và huyện) để đầu tư các dự án, công trình, góp phần hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, kỹ thuật, góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững, giảm chênh lệch vùng miền và liên kết phát triển vùng.
Chỉ tính riêng về nội dung này, Kỳ họp đã xem xét, thông qua 5 nghị quyết quan trọng, đó là phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách cấp tỉnh; kế hoạch đầu tư công năm 2024 và sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 303/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025.
Theo nhiều đại biểu HĐND tỉnh và các cử tri theo dõi kỳ họp, đây là những nghị quyết có tính đổi mới, đột phá, chủ động trong việc bố trí, sắp xếp, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, Tổ đại biểu Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ, cho rằng: Chưa bao giờ nguồn vốn đầu tư công lại giải ngân thấp như năm nay, do vậy, việc UBND tỉnh chủ động đề xuất HĐND tỉnh điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri toàn tỉnh trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nhất là đối với nguồn vốn bị tồn đọng, khó giải ngân theo kế hoạch được giao để điều chuyển cho dự án hoàn thành, có khối lượng giải ngân cao.
Trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư, thực tiễn đã xuất hiện, nảy sinh nhiều vấn đề nổi cộm, khó khăn trong quá trình giải ngân liên quan đến các quy định của pháp luật. Từ đó, tại Kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất cao, biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 303/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh. Theo đại biểu Bùi Thị Hương, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, nghị quyết được ban hành sẽ đảm bảo mục tiêu khơi thông các nguồn lực, khắc phục những bất cập trong giải ngân nguồn vốn, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vấn đề vướng mắc bất cập trong thực tiễn tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công, về quản lý ngân sách và các quy định pháp luật khác.
Được biết, việc ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 303/NQ-HĐND sẽ đảm bảo nguyên tắc tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền khoa học, phát huy tính năng động, sáng tạo của các địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với ràng buộc trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực, kiểm soát rủi ro trong tham nhũng, tiêu cực; không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế “xin - cho; duyệt - cấp”.
Quan tâm tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng. Nhiều năm qua, bằng những cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, HTX, hộ kinh doanh đã từng bước phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước và giải quyết công ăn việc làm tăng thêm cho hàng nghìn lao động mỗi năm. Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn do ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động. Trước vấn đề này, Kỳ họp thứ 14 đã xem xét thông qua Nghị quyết về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững đến năm 2025.
Qua đánh giá của các đại biểu HĐND tỉnh, việc ban hành nghị quyết là phù hợp với thực tiễn đặt ra khi mà trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.272 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022; 280 doanh nghiệp giải thể, tăng 6% so với cùng kỳ 2022; 569 doanh nghiệp, HTX bỏ địa chỉ kinh doanh.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Tổ đại biểu TX Đông Triều, bày tỏ: Nghị quyết này được ban hành sẽ là nguồn “năng lượng” mới, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Thay mặt các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, tôi mong nghị quyết sớm được triển khai đi vào cuộc sống để doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nhanh chóng ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.
Được biết, nghị quyết này đã đề ra 7 mục tiêu cụ thể và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào nắm bắt, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, PCCC; hỗ trợ tái cơ cấu lao động; tiếp cận vốn và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nghị quyết quy định chính sách thực hiện cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh cũng được đông đảo cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm. Nghị quyết có 18 chính sách, trong đó có 9 chính sách Trung ương quy định mức khung (tối đa, tối thiểu) và 9 chính sách đặc thù của tỉnh. Điều đáng nói ở nghị quyết này, các chính sách đặc thù của tỉnh đã mở rộng đối tượng, nâng mức hỗ trợ so với quy định của Trung ương và có thêm chính sách mới, được áp dụng cho 7 nhóm đối tượng.
Cử tri Hoàng Mạnh Tuyên, khu phố 11, phường Mông Dương (Cẩm Phả), cho rằng: Nghị quyết đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc, sẽ đem lại hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy nói chung và công tác cai nghiện ma túy nói riêng, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự; kiềm chế, làm giảm tội phạm, tệ nạn về ma túy trên địa bàn tỉnh. Cử tri chúng tôi mong muốn nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, tạo sự yên tâm cho người được cai nghiện cũng như người quản lý cai nghiện và lực lượng phòng, chống ma túy.
Trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định, trong năm 2023, toàn tỉnh quyết tâm đạt mức tăng trưởng GRDP trên 11% và tổng thu NSNN không thấp hơn 54.000 tỷ đồng. Từ đó, đòi hỏi phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả khâu điều hành, tổ chức thực hiện, bảo đảm sự nhất quán, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời, sâu sát cụ thể, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và tập thể lãnh đạo, sớm đưa các quyết sách đi vào cuộc sống.
Mỗi đại biểu HĐND tỉnh phải bám sát chương trình hành động, không ngừng nỗ lực, làm tròn trách nhiệm, giữ đúng lời hứa, ngang tầm với sự phát triển của tỉnh và đòi hỏi chính đáng của nhân dân, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, uy tín và kết quả công tác của từng đại biểu trên mỗi cương vị được giao.
Cùng với đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát huy dân chủ, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, trước hết từ các cơ quan lãnh đạo. Sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giảm sút uy tín, phòng chống tư tưởng làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.
Ý kiến ()