Quy tắc ứng xử
Quy tắc đề cập đến những vấn đề tưởng như ai cũng phải hiểu, phải biết, phải thực hiện khi đã là thành viên của các cơ quan nhà nước. Cụ thể, Quy tắc “nhắc nhở” mọi cán bộ, công chức, viên chức phải chấp hành kỷ luật, chức trách được giao; khi giao tiếp tại công sở phải lịch sự, hoà nhã, văn minh; không xâm phạm quyền lợi chính đáng, danh dự, nhân phẩm của công dân... Quy tắc còn quy định hàng loạt những việc không được làm như trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm sai lệch hồ sơ, mạo danh công vụ để giải quyết công việc cá nhân...
Có lẽ xuất phát từ thực trạng đáng lo ngại và khá phổ biến trong cách ứng xử, giao tiếp thiếu văn hoá, vụ lợi của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nên Bộ Nội vụ mới phải ban hành quy tắc này. Và dường như Bộ muốn làm một cuộc đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều yếu kém hiện nay, nhất là với những đòi hỏi hết sức tối thiểu, đương nhiên đã từng được quy định từ rất lâu rồi, trong rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, hoặc trong các quy chế, nội quy cơ quan.
Quy tắc đã có, đã rất cụ thể nhưng nếu cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn tư tưởng đứng trên dân, ban phát ơn huệ cho dân thì quy tắc cũng trở nên vô dụng. Vì vậy cùng với việc cụ thể hoá Quy tắc thành các quy chế, nội quy phù hợp với đặc điểm, tính chất công việc của từng cơ quan, đơn vị thì việc giáo dục, tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức là điều hết sức quan trọng. Đặc biệt phải giảm và tiến tới loại bỏ cơ chế xin-cho (nguyên nhân sâu xa của các tiêu cực, của sự hách dịch, nhũng nhiễu người dân) thì mới thực sự tạo ra một nền hành chính chuyên nghiệp, vì nhân dân phục vụ.
Chúng ta hy vọng, với Quy tắc này, hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức sẽ thực sự đẹp trong con mắt của người dân, nền hành chính sẽ thực sự có những đổi mới.
Ý kiến ()