20
240
/
1101192
Quảng Ninh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 8 cả nước
longform
Quảng Ninh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 8 cả nước

Cover

Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh trân trọng đăng toàn văn Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 do đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của HĐND tỉnh.

Thực hiện chương trình Kỳ họp, UBND tỉnh đã có Báo cáo số 170 ngày 24/6/2024 và báo cáo cập nhật, bổ sung số 178 ngày 05/7/2024 về tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Thay mặt UBND tỉnh, tôi xin báo cáo HĐND tỉnh, cử tri và Nhân dân những nội dung chủ yếu sau:

Ảnh trong văn bản

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là xung đột quân sự, bất ổn chính trị leo thang tại một số quốc gia, giá vàng, xăng dầu, nguyên vật liệu thế giới biến động mạnh. Trong nước, các hoạt động kinh tế-xã hội phục hồi tích cực hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Trong tỉnh có những thời cơ, thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức nhiều hơn.

1. Về công tác chỉ đạo, điều hành

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế để thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 176 của HĐND tỉnh và thực hiện chủ đề công tác năm về “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Quán triệt nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, “không bàn lùi, chỉ bàn làm”, nỗ lực hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, khối lượng công việc đặt ra.

Tính chung 6 tháng, UBND tỉnh đã ban hành 07 chỉ thị, 22 quyết định quy phạm pháp luật, 1.887 quyết định cá biệt, 1.693 công văn, 163 kế hoạch, 107 thông báo, tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị bàn, triển khai nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; điều hành thu, chi ngân sách; kiểm tra thực tế và chỉ đạo, đôn đốc tiến độ các công trình, dự án, giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường cải cách hành chính, chuyển đổi số; tháo gỡ khó khăn cho các ngành, lĩnh vực; xây dựng, thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại.

2. Các kết quả đạt được

Với sự quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện qua các nhóm kết quả nổi bật, đáng khích lệ như sau:

(1) Kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh ước tăng 9,02%, vượt cận trên kịch bản tăng trưởng (kịch bản là 9,0%), đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 8 cả nước (GDP cả nước 6 tháng tăng 6,42%).

Tổng thu ngân sách nhà nước đến ngày 30/6/2024 đạt 29.130 tỷ đồng, bằng 54% dự toán Trung ương, bằng 52% dự toán tỉnh, bằng 101% so với cùng kỳ, trong đó: Thu từ xuất nhập khẩu đạt 9.593 tỷ đồng, bằng 77% dự toán Trung ương, bằng 74% dự toán tỉnh, tăng 23% so với cùng kỳ. Thu nội địa đạt 19.532 tỷ đồng, bằng 48% dự toán Trung ương, bằng 46% dự toán tỉnh, bằng 93% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 8.502 tỷ đồng, bằng 30% dự toán năm, tăng 4% so cùng kỳ.

Các động lực tăng trưởng từ phía cung (các khu vực kinh tế) tiếp tục có chuyển biến tích cực, trong đó: Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,6% (kịch bản là 6,56%); ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 23,05%, cao hơn 10,3% cùng kỳ, là động lực tăng trưởng chính; khu vực dịch vụ tăng 13,8% (kịch bản là 13,56%); thuế sản phẩm tăng 4,7%; khu vực nông, lâm, thủy sản duy trì đà tăng khá, tăng 4,3% (kịch bản là 4,13%).

Các động lực tăng trưởng từ phía cầu (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) tăng trưởng và phục hồi tích cực hơn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 48.035 tỷ đồng, tăng 9,1%; Khách du lịch đạt 10,4 triệu lượt, tăng 18%, trong đó khách quốc tế đạt gần 2 triệu lượt, tăng 140% cùng kỳ (cả nước đạt 8,8 triệu lượt khách quốc tế); doanh thu du lịch đạt 22.285 tỷ đồng, tăng 34%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,1%; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh đạt 1.669 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,55 tỷ USD, đạt xấp xỉ 52% kế hoạch năm, tăng 118% so với cùng kỳ, đứng thứ 3 cả nước (sau tỉnh Bắc Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu), chiếm 10% tổng thu hút vốn FDI cả nước là 15,2 tỷ USD. Toàn tỉnh có 983 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12% so cùng kỳ, có 140 hợp tác xã thành lập mới, tăng 629% so cùng kỳ. Đến nay, toàn tỉnh có 11.590 doanh nghiệp và 673 hợp tác xã đang hoạt động.

Ảnh với chú thích

(2) Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, trong đó:

Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể. Thành lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm. Đến ngày 30/6/2024, vốn đầu tư công sau điều chỉnh là 15.190 tỷ đồng, đã phân khai 15.181 tỷ đồng; giải ngân đạt 3.265 tỷ đồng, tạm ứng chuyển sang năm 2024 đã thu hồi đạt 33,3%.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục được đẩy mạnh. Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước năm thứ 7 liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2023) giữ vị trí quán quân PCI, năm thứ 6 dẫn đầu chỉ số PAR INDEX, năm thứ 5 liên tiếp dẫn đầu Chỉ số SIPAS, đồng thời xếp hạng thứ nhất về chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Thành lập Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số.

Tập trung triển khai Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với thực hiện Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ, đã cung cấp 1.263 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu với 14 cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương; đã cấp 918 nghìn tài khoản định danh điện tử, trong đó đã kích hoạt mức 1, mức 2 cho 823 nghìn tài khoản, đạt tỷ lệ 89% trên tổng số tài khoản định danh điện tử đã cấp.

Công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số tiếp tục được đẩy mạnh. Hoàn thành tuyển dụng công chức năm 2023 với 52 trường hợp trúng tuyển; tổ chức tuyển dụng công chức năm 2024 với 73 chỉ tiêu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 86,6%, tăng 0,5% so cùng kỳ. Tạo việc làm tăng thêm ước đạt 17.400 lao động, bằng 58% kế hoạch năm.

(3) Các cấp, các ngành đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh, phúc lợi xã hội. Tổng chi an sinh xã hội ước đạt 1.144 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ. Năm 2024, ngân sách tỉnh đã bố trí 981,9 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến ngày 30/6/2024, giải ngân đạt 358 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 36,5%. Hoàn thành sớm hơn 2 năm chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã, trong đó: Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; Tiên Yên, Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021-2025; 6 tháng đầu năm đã giảm 121/246 hộ nghèo, bằng 49% kế hoạch năm, giảm 828/1.200 hộ cận nghèo, bằng 69% kế hoạch năm, bằng 27% tổng số hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều tại Nghị quyết số 13 của Tỉnh. Chỉ đạo chuẩn bị tốt Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ IV năm 2024.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đã thu hút 37 bác sỹ về làm việc tại một số cơ sở y tế theo Nghị quyết số 28 của HĐND tỉnh. Thành lập Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh. Đến nay, toàn tỉnh có 141/177 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,4% dân số. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 46,15% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.

Lĩnh vực giáo dục, đào tạo đạt nhiều thành tích cao, xếp thứ 8/70 đơn vị dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024, đạt 85 giải, tăng 5 bậc so với kỳ thi năm trước. Tổ chức thành công, an toàn, nghiêm túc đúng Quy chế Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024. Hỗ trợ chênh lệch học phí năm học 2023-2024 theo Nghị quyết số 33 của HĐND tỉnh cho 188.107 đối tượng, với tổng kinh phí dự toán 261,5 tỷ đồng. Tổ chức sắp xếp các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 90,5%. Thành lập Ban chỉ đạo hoạt động hè triển khai các biện pháp quản lý, giáo dục, đảm bảo an toàn cho thanh thiếu nhi, học sinh.

Các cấp, các ngành, địa phương đã tập trung quán triệt, xây dựng kế hoạch để triển khai Nghị quyết số 17 ngày 30/10/2023, Kế hoạch số 383 ngày 26/3/2024 của Tỉnh ủy gắn với chủ đề công tác năm. Hoàn thành Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO ghi vào Danh mục di sản thế giới. Công tác thể thao được quan tâm, đoạt 85 huy chương các loại. 

(4) Công tác lập, quản lý quy hoạch được tập trung triển khai. Đến nay, đã hoàn thành 06/06 Quy hoạch chung của các thành phố, thị xã; 05/06 Quy hoạch xây dựng vùng huyện; 03/05 Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế; 37 đồ án quy hoạch phân khu; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt 60%. Hoàn thành Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của 13 địa phương.

(5) Công tác xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền tiếp tục được rà soát, sắp xếp, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; hoàn thành, phê duyệt vị trí việc làm của 100% cơ quan, đơn vị. Hoàn thành Đề án sắp xếp đối với 12 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh giai đoạn 2023-2025. Hoàn thành Đề án thành lập thành lập 4 phường thuộc thị xã Đông Triều và thành lập thành phố Đông Triều.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường. Đã thực hiện 38 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính, ban hành 22 kết luận. Thực hiện 84 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, ban hành 49 kết luận; qua công tác thanh tra, kiến nghị thu hồi 1,8 tỷ đồng về ngân sách nhà nước, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 34 tập thể, 25 cá nhân. Chỉ đạo tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế qua các cuộc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri được các cấp, các ngành tập trung giải quyết. Các cơ quan hành chính các cấp đã tiếp 3.539 lượt công dân, giảm 24,4% cùng kỳ, với 2.118 vụ việc, giảm 25,15% cùng kỳ. Tiếp nhận, xử lý 4.738 đơn, giảm 26,4% cùng kỳ, với 178 vụ việc khiếu nại, 8 vụ việc tố cáo. Đã giải quyết (cả vụ việc chuyển tiếp) 204/317 vụ việc khiếu nại, đạt tỷ lệ 64,35%; giải quyết 10/13 vụ việc tố cáo, đạt tỷ lệ 76,9%; đã giải quyết xong và được trả lời thông tin tới cử tri 37/47 kiến nghị cử tri, 10/47 kiến nghị đang được các cơ quan chức năng giải quyết.

(6) Quốc phòng, an ninh được củng cố, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; tình hình an ninh chính trị cơ bản ổn định. 6 tháng đầu năm, tội phạm trật tự xã hội xảy ra 288 vụ, giảm 1,2% so với cùng kỳ; tỷ lệ kết quả điều tra phá án đạt 77,8%; bắt giữ, xử lý 344 vụ, 851 đối tượng phạm tội về ma túy. Toàn tỉnh xảy ra 246 vụ tai nạn giao thông, làm chết 113 người, bị thương 216 người, tăng 63 vụ, tăng 7 người chết, tăng 58 người bị thương so với cùng kỳ. Tai nạn lao động xảy ra 11 vụ, làm chết 16 người, tăng 2 vụ, tăng 4 người chết so cùng kỳ. Xảy ra 17 vụ tai nạn thương tích làm 19 trẻ tử vong, trong đó 11 vụ đuối nước, làm 13 trẻ tử vong, tăng 3 vụ, tăng 2 trẻ so với cùng kỳ.

Hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường. Tổ chức thành công Đoàn công tác của tỉnh thăm chính thức Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, tham dự Chương trình Gặp gỡ đầu xuân năm 2024 và công bố mở cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung, lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa.

Nhìn chung, kinh tế - xã hội của Tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật trên các lĩnh vực, được nhân dân, doanh nghiệp ghi nhận. Đây là nền tảng để phấn đấu hoàn thành thắng lợi và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Bên cạnh những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực và cả nước tiếp tục tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội của tỉnh: Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp khai khoáng và ngành điện có tỷ trọng lớn trong nền kinh tế không đạt kịch bản đề ra. Số doanh nghiệp tạm ngừng, rời khỏi thị trường, tăng 16,1% so với cùng kỳ; Thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt thấp bằng 27% kế hoạch năm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, đầu tư công, tài chính, ngân sách... của một số ngành, địa phương có mặt còn hạn chế, chưa hoàn thành dứt điểm việc giao khu vực biển theo quy hoạch. Có 5/16 khoản thu ngân sách không đạt tốc độ thu bình quân, trong đó thu tiền sử dụng đất chỉ bằng 21% kế hoạch năm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt xấp xỉ 23%, không đạt mục tiêu 6 tháng đầu năm đề ra (50%), thấp hơn so với giải ngân bình quân chung của cả nước (30%). Tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm hình sự, an ninh trật tự tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn phức tạp; an toàn lao động trong ngành Than còn nhiều thách thức; tai nạn đuối nước tăng so cùng kỳ.

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song chủ yếu là: Do pháp luật về đất đai chuẩn bị có nhiều thay đổi. Thị trường bất động sản trầm lắng, tác động trực tiếp đến thu ngân sách. Công tác tổ chức, công tác phối hợp trong giải quyết công việc giữa một số cơ quan, đơn vị, địa phương có thời điểm, có việc chưa chặt chẽ, kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm. Chưa khắc phục cơ bản tình trạng, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một số cán bộ, công chức và người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ.

Ảnh trong văn bản

1. Về dự báo tình hình thế giới, trong nước và của tỉnh

Sáu tháng cuối năm 2024, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tạo áp lực lên điều hành phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Tuy nhiên, cũng có những cơ hội, thuận lợi, thời cơ đan xen, tạo điều kiện để phấn đấu đạt và vượt kế hoạch năm 2024.

2. Về cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2024

Trên cơ sở kết quả sơ bộ quý II, 6 tháng và dự báo cả năm, UBND tỉnh xây dựng điều chỉnh kịch bản tăng trưởng bám sát các chỉ tiêu đề ra tại Kết luận số 1156-KL/TU ngày 26/6/2024 của Tỉnh ủy để hoàn thành các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 10,9%; thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 55.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI cả năm đạt ít nhất 3,0 tỷ USD; tổng khách du lịch đạt từ 17-18 triệu lượt khách... (Kết luận số 1156-KL/TU là 17 triệu lượt khách).

3. Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024

Các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 176 của HĐND tỉnh gắn với chủ đề công tác năm, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.

Xác định 03 trụ cột bảo đảm giữ vững tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2024: Một là, Công nghiệp chế biến, chế tạo; hai là, Đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản vốn ngoài ngân sách; ba là, Du lịch, dịch vụ, kinh tế biển và kinh tế số. Xác định yếu tố bảo đảm sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội là giữ vững sự ổn định và phát triển bền vững ngành than, điện.

Xác định các động lực cơ bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là: (i1) Các khu công nghiệp, khu kinh tế, còn dư địa tăng trưởng lớn; (i2) Phát triển kinh tế di sản, kinh tế đô thị, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu; (i3) Phát huy tối đa hiệu quả từ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể để thúc đẩy hội nhập, hợp tác, kết nối, liên kết; (i4) Sự năng động, đổi mới sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả của khu vực công; (i5) Niềm tin của Nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp.

Ảnh với chú thích

(1) Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực của nền kinh tế, trong đó:

Đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo có trình độ công nghệ, suất vốn đầu tư, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường. Tập trung thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là ngành bán dẫn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành than, điện phát triển ổn định, bền vững. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy ô tô Thành Công tại Khu công nghiệp Việt Hưng. Tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư triển khai các dự án sau cấp phép.

Phát triển dịch vụ tổng hợp, hiện đại, có sức cạnh tranh cao. Phát triển kinh tế di sản, hệ sinh thái du lịch, nâng tầm du lịch Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, trọn vẹn 4 mùa. Sớm triển khai dự án Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng địa chất tại thành phố Cẩm Phả; đưa khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải tại Quan Lạn Vân Đồn và dự án sân Golf Đông Triều vào hoạt động. Khai thác hiệu quả cặp Cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung và lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý  Hỏa.

Tiếp tục tập trung triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia gắn với thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy. Phát triển nghề nuôi biển; hoàn thành giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân theo quy hoạch.

(2) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành thu - chi ngân sách. Phấn đấu tăng thu từ thuế, phí nội địa, thu xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số hụt thu tiền sử dụng đất. Khắc phục hạn chế trong công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư công; tập trung giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng dự án, công trình. Tăng cường thu hồi dứt điểm các khoản tạm ứng quá hạn. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến đến 30/9/2024 đạt tối thiểu 80% và đến 31/12/2024 đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư giao đầu năm.

(3) Đẩy mạnh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; sớm hoàn thành dứt điểm các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, phấn đấu đưa vào khai thác cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân trong năm 2024. Tập trung triển khai Đề án Giao thông nông thôn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030, Đề án nâng cấp đô thị thị xã Quảng Yên, Đề án thành lập thành phố Đông Triều.

Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phấn đấu giữ vững vị trí nhóm đầu về Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI cấp tỉnh. Đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp cả về số lượng, chất lượng, bền vững.

Thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; xây dựng chính sách phát triển dân số trong tình hình mới. Phấn đấu tạo ra ít nhất 30.000 việc làm tăng thêm trong năm 2024.

(4) Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh, phúc lợi, công bằng xã hội. Trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17 ngày 30/10/2023, Kế hoạch số 383 ngày 26/3/2024 của Tỉnh ủy gắn với chủ đề công tác năm ở các cấp, các ngành, địa phương, thôn, bản, khu phố. Hoàn thành chỉ tiêu không còn hộ nghèo và giảm ít nhất 50% hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh. Tiếp tục xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát mới phát sinh năm 2024 cho các đối tượng là người nghèo, cận nghèo và đối tượng xã hội.

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo Chỉ thị 38 của Tỉnh ủy. Xây dựng kế hoạch, lộ trình để hoàn thành mục tiêu hết năm 2025, Quảng Ninh trở thành tỉnh học tập, có ít nhất 2 thành phố (Hạ Long, Uông Bí) nằm trong mạng lưới thành phố học tập toàn cầu do UNESCO điều hành; phấn đấu trường chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 91%. Chăm lo, phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tổ chức tốt Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV.

(5) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tập trung triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh; hoàn thành Đề án Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế đến năm 2030, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị các địa phương cấp huyện; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Hoàn thành Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 cấp tỉnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 10 ngày 26/9/2022, Nghị quyết số 16 ngày 09/5/2019 của Tỉnh ủy; kiên quyết xử lý đối với các dự án có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.

(6) Chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia. Củng cố, phát triển mô hình xã, phường, thị trấn sạch ma túy; phấn đấu hết năm 2024, xây dựng ít nhất 03 huyện, 78 xã, phường, thị trấn sạch ma túy. Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Phát huy sức mạnh của toàn xã hội thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024./.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu