
Quản lý lễ hội xuân
Mùa xuân là mùa của lễ hội. Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên đán các địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Ninh lại nô nức tổ chức khai hội thu hút hàng triệu người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái, cầu cho một năm mới gặp nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào, an khang – thịnh vượng.
Để lễ hội xuân tổ chức tốt, thời điểm này, công tác chuẩn bị được các địa phương tích cực triển khai. Với Quảng Ninh, tỉnh hiện có trên 609 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong đó, có nhiều di tích thu hút đông đảo du khách, như: Yên Tử (TP Uông Bí), Ngọa Vân (TX Đông Triều, đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), chùa Long Tiên, Lôi Âm (TP Hạ Long), chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc lâm Giác Tâm (huyện Vân Đồn)... Đi kèm với các di tích lịch sử văn hóa là gần 80 lễ hội lớn, nhỏ, như: Lễ hội Xuân Yên Tử, Ngọa Vân, đền Cửa Ông, Tiên Công, Lôi Âm…
Các lễ hội ở Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung được tổ chức rải rác vào các tháng trong năm, nhưng thường tập trung nhiều nhất là vào 3 tháng mùa xuân, đặc biệt là vào tháng Giêng. Với rất nhiều lễ hội được tổ chức dịp sau Tết Nguyên đán thu hút hàng chục triệu du khách đến tham quan, chiêm bái, nên công tác quản lý, tổ chức lễ hội luôn được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm.
Để mùa lễ hội xuân năm nay đi vào nền nếp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Trong đó, yêu cầu đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, đúng mục đích; không đưa hiện vật không có trong hồ sơ xếp hạng vào di tích, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hoá; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo để tuyên truyền, quảng bá hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh…
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến thời điểm này, Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý, tổ chức thực hiện nghiêm nếp sống văn minh lễ hội, đặc biệt quan tâm tổ chức các hoạt động văn hoá truyền thống, trò chơi dân gian để giữ gìn, tôn vinh giá trị văn hoá đặc sắc vùng, miền, đem lại không khí vui xuân mới lạ, ấn tượng cho người dân, du khách.
Rất nhiều năm qua, Quảng Ninh là một trong những địa phương tổ chức lễ hội xuân được du khách thập phương đánh giá cao về sự chuyên nghiệp, văn minh. Tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, nghiêm túc, các lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh năm nay sẽ làm hài lòng người dân, du khách gần xa.
Thái Bình
Ý kiến ()