Phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát tội phạm, tệ nạn về ma túy
Sau hơn một năm triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh đã quan tâm quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần ngăn chặn và từng bước kéo giảm và đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy. Từ đó, làm giảm các nguyên nhân, điều kiện phát sinh các loại tội phạm, nhất là tội phạm về trật tự xã hội. Đặc biệt, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh không để hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp về tội phạm, tệ nạn ma túy gây bức xúc trong nhân dân.
Năm 2022 và quý I/2023 các lực lượng chức năng toàn tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ, xử lý tổng số 875 vụ 1.966 đối tượng về ma túy. Trong đó xử lý hình sự 826 vụ 1.478 đối tượng. Vật chứng thu giữ: 0,52kg heroin, 20,279kg ma tuý tổng hợp, 50ml ma tuý tổng hợp, 4,545kg cần sa khô, 1,958kg cần sa tươi, 598 gam thảo mộc khô và 44,4ml dung dịch có chứa ADB-BUTINACA, 426ml dung dịch Methadone, 8 súng, 206 viên đạn cùng một số vật chứng khác. Công an các địa phương đã lập 353 hồ sơ chuyển Tòa án, đưa 269 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, vận động 335 đối tượng đi cai nghiện tự nguyện.
Công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các vi phạm liên quan đến “bóng cười”, shisha, thuốc lá điện tử đã được Công an tỉnh tập trung cùng các sở, ngành liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện theo chuyên đề, lĩnh vực qua đó đã hạn chế tình trạng vi phạm trên toàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 vẫn còn hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động trong công tác phối hợp rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hiện nay chưa thực hiện được. Tình trạng mua bán, kinh doanh trái phép shisha, khí N2O (bóng cười) trên địa bàn tỉnh còn diễn ra khá phổ biến, nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn hạn chế, chưa cương quyết, chủ động trong phối hợp, xử lý các vi phạm...
Trước tình hình này, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 Quảng Ninh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy, nhất là tuyên truyền phương thức thủ đoạn của tội phạm nhằm lôi kéo, dụ dỗ người khác sử dụng trái phép chất ma túy; tuyên truyền về tác hại, hậu quả của việc sử dụng "bóng cười”, Shisha, thuốc lá điện tử; cách nhận biết, phòng tránh ma túy “núp bóng” dưới dạng đồ uống, thực phẩm...
Đặc biệt, tại văn bản số 56/TB.UBND ngày 4/5/2023, Ban Chỉ đạo 138 Quảng Ninh đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tổ chức cho 100% học sinh cấp 2, cấp 3 trên địa bàn tỉnh ký cam kết không kinh doanh, mua bán, tổ chức sử dụng, chứa chấp sử dụng, sử dụng "bóng cười”, shisha, thuốc lá điện tử; tiếp tục tăng thời lượng giáo dục phòng chống ma tuý trong môn giáo dục công dân tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học tổ chức rà soát, nắm tình hình học sinh liên quan đến tội phạm, tệ nạn ma túy. Khi phát hiện những học sinh có biểu hiện nghi vấn, dấu hiệu liên quan đến tội phạm, tệ nạn ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, “bóng cười”, shisha, thuốc lá điện tử thì phối hợp với lực lượng Công an để xác minh, xử lý, tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
Đặc biệt, Quảng Ninh sẽ xem xét trách nhiệm đối với những cơ sở giáo dục báo cáo không có học sinh liên quan đến tội phạm, tệ nạn ma túy hoặc có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy, “bóng cười”, shisha, thuốc lá điện tử, nhưng bị lực lượng Công an bắt giữ xử lý về tội phạm ma túy hoặc phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy hoặc để xảy ra tình trạng học sinh ngộ độc do sử dụng “bóng cười”, shisha, thuốc lá điện tử, ma tuý pha trộn, tẩm ướp.
Cùng với đó, tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, mua bán, sử dụng khí N2O, shisha, thuốc lá điện tử trên địa bàn tỉnh. Siết chặt công tác quản lý nhà nước trong thẩm định, cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, pub, club, lounge... nhất là các cơ sở có vi phạm về khí N2O, shisha, thuốc lá điện tử; xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; công tác quản lý sau cai nghiện và quản lý người nghiện; công tác hỗ trợ tạo việc làm, sinh kế cho người hoàn thành cai nghiện và công tác triển khai xử lý vi phạm pháp luật về khí N2O, shisha, thuốc lá điện tử trên địa bàn tỉnh; thực hiện đợt tổng kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến N2O, shisha, thuốc lá điện tử gắn với Tháng hành động phòng, chống ma tuý (tháng 6/2023).
Với những giải pháp tổng thể này, Quảng Ninh đã thực hiện đúng và trúng chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy do Bộ Công an tổ chức ngày 10/3 vừa qua. Thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát tội phạm về ma túy, tệ nạn ma túy; kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa đấu tranh, ngăn chặn và vận động, giáo dục, thuyết phục, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy, chất gây nghiện. Trong đó, phòng là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định với vai trò rất quan trọng của cấp cơ sở. Coi trọng công tác PCMT từ cơ sở và tập trung vào nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.
Ý kiến ()