Phòng, chống tham nhũng - báo chí được khuyến khích
Trong phát biểu kết luận phiên họp, thay mặt Ban chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biểu thị quyết tâm, ý chí, phấn đấu cao nhất của Ban cũng như của Chính phủ về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt Thủ tướng nhắc nhở các Bộ, ngành địa phương song song với công tác phòng chống tham nhũng phải triệt để tiến thành thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, tiếp khách. Thủ tướng lưu ý, phải phát huy tốt hơn nữa vai trò của báo chí trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, song báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phải đưa tin chính xác, từ các nguồn thông tin chính thống.
Được biết các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp như: Vụ án PMU 18, vụ án Nguyễn Đức Chi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Dự án Rusalka (Khánh Hoà), vụ án Nguyễn Lâm Thái lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số đơn vị trong ngành Bưu điện, vụ án xảy ra tại Thanh tra Chính phủ, gần đây là vụ án tham nhũng đất đai tại Đồ Sơn; vụ sử dụng trái phép quỹ hỗ trợ bão lụt ở Hà Tĩnh... được Thủ tướng và Phó Thủ tướng - Phó trưởng Ban chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo, kết luận xử lý nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình, đều có vai trò quan trọng của báo chí.
Trong "Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng" của Tỉnh uỷ Quảng Ninh (số 06-CTr/TƯ ngày 25 - 9 - 2006) cũng xác định vai trò của báo chí: "Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và nhân dân trong việc giám sát cán bộ và cơ quan công quyền trong thực thi nhiệm vụ".
Chưa bao giờ báo chí được khuyến khích trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí như hiện nay. Song chính vì thế mà báo chí cũng phải tỉnh táo, tránh để kẻ xấu lợi dụng.
Ý kiến ()