Phòng bệnh hen phế quản khi thời tiết thay đổi
Mỗi khi thời tiết chuyển mùa, số ca mắc bệnh hen phế quản lại gia tăng đột biến. Sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố môi trường không chỉ kích hoạt cơn hen, mà còn làm bệnh trầm trọng hơn. Để bảo vệ sức khỏe, việc hiểu rõ cách phòng bệnh và kiểm soát bệnh hen phế quản là vô cùng quan trọng.
Hen phế quản (còn gọi là hen suyễn) là bệnh mãn tính của phế quản. Bệnh gây sưng phù và sản sinh ra nhiều đờm làm tắc nghẽn luồng khí thở khiến bệnh nhân khó thở, thở khò khè, ho kéo dài từng cơn, nhất là vào ban đêm và sáng sớm.
Nguyên nhân gây hen phế quản có thể do: Vi khuẩn, vi rút hợp bào hô hấp (cúm), nấm, nấm mốc; di truyền - nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ bị hen phế quản thì con cái có nguy cơ mắc bệnh cao; tiếp xúc nhiều với môi trường không khí ô nhiễm, khói củi bếp, khói thuốc lá, các tác nhân gây dị ứng lông chó, lông mèo…; bị nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phế quản phổi, viêm xoang, viêm tiểu phế quản…; thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại.
Bác sĩ CKI Phạm Thị Út Trang, Phó Trưởng Khoa Nội hô hấp (Bệnh viện Bãi Cháy), cho biết: Khi gặp thời tiết lạnh, triệu chứng khó thở của hen suyễn có thể nặng hơn. Tập thể dục ngoài trời lạnh cộng với thở bằng miệng sẽ khiến không khí lạnh khô đi trực tiếp qua phế quản vào phổi. Điều này sẽ làm tăng khả năng lên cơn hen suyễn. Số lượng bệnh nhân đến khám trong mùa này tăng vọt với các bệnh lý đường hô hấp (phổi, mũi xoang), từ 30-50 lượt bệnh nhân người lớn khám/ngày, chưa tính số lượng trẻ nhỏ mắc bệnh lý đường hô hấp.
Thời tiết lạnh tác động tiêu cực đến hen suyễn bởi phế quản được phủ bởi một lớp mỏng chất lỏng, khi hít thở quá nhiều không khí lạnh khô, lớp chất lỏng này sẽ bốc hơi nhanh và không kịp tái tạo. Phế quản khi quá khô sẽ dễ bị kích ứng và sưng lên, làm trầm trọng hơn các triệu chứng hen suyễn. Phế quản cũng được bảo vệ bằng một lớp chất nhầy. Lớp chất nhầy này sẽ giữ lại bụi bẩn và các phân tử có hại cho cơ thể. Khi thời tiết lạnh, cơ thể sẽ sản sinh nhiều chất nhầy hơn. Tuy nhiên, chất nhầy cũng đặc và dính. Chất nhầy trong mũi và họng quá nhiều sẽ dễ gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh. Với phế quản, chất nhầy đặc và nhiều sẽ gây thở khò khè.
Những triệu chứng thường gặp ở người bệnh hen phế quản là có hiện tượng thở khò khè thành tiếng, nhịp thở lúc nhanh, lúc chậm. Cơn ho kéo dài, đặc biệt là ban đêm và sáng sớm, cũng có thể xảy ra khi tiếp xúc với không khí quá lạnh hoặc quá nóng. Bệnh nhân cảm thấy nặng ngực, khó thở và khó nói.
Bác sĩ CKI Phạm Thị Út Trang cho biết: Tuy không tuyệt đối, nhưng việc dự phòng sự xuất hiện của cơn hen là điều hoàn toàn có thể. Trước hết, đối với những người có nguy cơ cao bị hen (tính chất gia đình, cơ địa dị ứng...), nên tránh tiếp xúc với những chất dễ gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc lá; người bị hen do gắng sức hoặc do thuốc tuyệt đối không vận động quá sức hoặc dùng lại những thứ thuốc mà trước đó đã khởi phát cơn hen; dự phòng các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên cũng cần thiết ở người đã từng bị hen và việc này càng nên được chú ý vào mùa lạnh; duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, luyện tập thể lực nhẹ nhàng, chế độ dinh dưỡng tốt cũng góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa sự khởi phát của cơn hen. Ở những người có nguy cơ cao hơn, nên sử dụng phác đồ thuốc dự phòng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để dự phòng cơn hen. Người có tiền sử mắc bệnh hen phế quản cần chủ động tiêm phòng cúm, phế cầu đầy đủ trước mỗi đợt thay đổi thời tiết.
Phòng bệnh hen phế quản khi thời tiết thay đổi không chỉ phụ thuộc vào việc chăm sóc cơ thể, mà còn đòi hỏi người bệnh tuân thủ chế độ dùng thuốc và giữ gìn môi trường sống an toàn. Sự hiểu biết và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sẽ giúp người bệnh kiểm soát tình trạng hen hiệu quả, giảm nguy cơ phát cơn hen khi môi trường xung quanh thay đổi.
Ý kiến ()