Thủ tướng Chính phủ vừa chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics nhằm bàn các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Tại hội nghị, hàng loạt yếu kém của hoạt động logistics, trong đó đặc biệt là gánh nặng chi phí đang là rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp đã được chỉ ra...
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics lại ở mức khá cao. Cũng theo WB, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%...
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nếu làm tốt về logistics, sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi... từ đó làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận. Thủ tướng cũng nhận định, gánh nặng chi phí đang là rào cản rất lớn đối với doanh nghiệp, trong đó chi phí logistics cao làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các phương thức vận tải, việc kết nối kém làm tăng chi phí vận tải. Đây là thách thức của nhiều địa phương...
Để giải bài toán cho việc nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics, Thủ tướng yêu cầu cần sự quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến về dịch vụ logistics. Cần phải có doanh nghiệp mạnh làm logistics với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, quy hoạch của Nhà nước. Thủ tướng nêu rõ, chức năng ngành logistics không chỉ là giao nhận, vận tải, mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hoá, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hoá, xử lý hàng hư hỏng...
Do vậy, cần phải hiểu một cách đầy đủ về khái niệm logistics; phải hoàn thiện, sửa đổi cơ chế, chính sách về lĩnh vực này cho phù hợp. Đặc biệt, phải đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông. Làm sao để các trung tâm logistics, cảng trung chuyển kết nối hàng hoá (hệ thống bến cảng, sân bay...) phát huy được tiềm năng, lợi thế, phát huy hiệu quả các công trình đầu tư...
Những hạn chế, bất cập chung trong hoạt động logistics trên cả nước hiện nay cũng đang là rào cản đối với hoạt động lưu thông, vận tải hàng hoá trên địa bàn tỉnh, mặc dù Quảng Ninh là địa bàn có rất nhiều lợi thế để phát triển dịch vụ logistics. Trong đó đáng chú ý là có hệ thống cảng sông, biển thuận lợi, có các cửa khẩu thông thương với Trung Quốc, với số lượng hàng hoá thông qua địa bàn lớn.
Tuy nhiên, cũng giống như tình trạng của nhiều địa phương khác, sự đồng bộ về hạ tầng giao thông của tỉnh cũng như sự kết nối của hệ thống này với các khu vực, vùng miền trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, tuyến đường sắt quốc gia kết nối với Cảng Cái Lân vẫn chưa được xây dựng, cũng hạn chế rất lớn đến việc giảm chi phí vận tải hàng hoá. Cùng với đó, hệ thống kho bãi, dịch vụ sau cảng cũng còn thiếu thốn, chất lượng hoạt động chưa cao, thủ tục hành chính chưa nhanh gọn cũng là những bất lợi cho hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh...
Nhận diện rõ những bất cập, hạn chế, khó khăn trong phát triển ngành dịch vụ logistics trên phạm vi cả nước nói chung cũng như trên địa bàn tỉnh nói riêng, sẽ giúp các ngành chức năng đưa ra những cơ chế, chính sách, biện pháp để phát triển, khai thác ngành dịch vụ logistics đạt hiệu quả cao, mang lại nguồn lợi lớn cho nhà nước và doanh nghiệp.
Với Quảng Ninh, kỳ vọng sắp tới khi hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, trong đó hệ thống đường cao tốc được kéo dài, kết nối với các địa phương, khu vực khác, khi sân bay quốc tế Vân Đồn đi vào hoạt động, hệ thống cảng được đầu tư, nâng cấp... sẽ là những lợi thế cạnh tranh, cơ sở quan trọng để tỉnh đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ logistics trên địa bàn. Qua đó, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và nguồn thu cho ngân sách, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động...
Thanh Tùng
Ý kiến ()