
Phát triển dịch vụ thành ngành kinh tế quan trọng hàng đầu
Quảng Ninh là địa bàn có tiềm năng lớn để phát triển hoạt động thương mại dịch vụ, nhất là thương mại qua biên giới và thương mại qua đường biển. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, ngành dịch vụ thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Nhìn lại kết quả hoạt động của ngành thương mại trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ thương mại đã đạt trung bình trên 13%/năm. Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (RGDP) của tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2017, giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ đã đạt 27.610 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2016. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 72.691 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù sự phát triển của ngành dịch vụ thương mại đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng và yêu cầu của phát triển kinh tế của tỉnh. Hiện nay, Quảng Ninh đang đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, yêu cầu phát triển dịch vụ có ý nghĩa to lớn, không chỉ trực tiếp tạo động lực phát triển mà còn góp phần củng cố sự liên kết, bảo đảm đầu ra cho các ngành sản xuất và tác động lan tỏa tới mọi lĩnh vực trong nền kinh tế. Mặc dù thời gian qua, tỉnh đã tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao như công nghệ thông tin, truyền thông, logistics, hàng không, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử..., tuy nhiên, sự phát triển dịch vụ của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, tốc độ tăng chưa bền vững. Ngành dịch vụ vẫn chưa thực sự thể hiện được vai trò chủ đạo dẫn dắt tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Chất lượng dịch vụ còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao. Một số ngành dịch vụ có lợi thế như du lịch, thương mại, cảng biển, dịch vụ thương mại biên giới tuy đã phát triển nhưng thiếu tính bền vững, giá trị gia tăng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Chất lượng và hiệu quả kinh doanh dịch vụ chưa cao. Mối liên kết giữa các đơn vị sản xuất với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, giữa các ngành dịch vụ chưa chặt chẽ, thiếu sự phối kết hợp để tạo thành chuỗi dịch vụ.
Để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và phát triển dịch vụ trở thành khu vực kinh tế quan trọng hàng đầu của tỉnh, hiện nay Quảng Ninh đã xây dựng cơ chế chính sách phát triển dịch vụ như chính sách phát triển dịch vụ logistics, chính sách phát triển du lịch cộng đồng, chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các tổ chức cá nhân đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2017 - 2020… Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành dịch vụ du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư như: Vingroup, Sun Group, FLC group, BIM group, Tuần Châu và các thương hiệu quốc tế trong lĩnh vực du lịch (Sheraton, Accor, Hilton…) để hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái. Phát triển dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đảm bảo hài hòa lợi ích và trách nhiệm; chính quyền tập trung làm tốt công tác định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển dịch vụ. Phát triển các ngành dịch vụ theo hướng bền vững gắn chặt với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thanh Phong
Ý kiến ()