Phát triển các vùng nguyên liệu tập trung
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, chuyên canh nông sản gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị là hướng đi mới, hiệu quả của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để hình thành các vùng nguyên liệu nông sản quy mô lớn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Ðề án xây dựng 5 vùng nguyên liệu thí điểm đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, đến thời điểm hiện tại đã có những thành quả nhất định. Ðây được xem là điểm khởi đầu, tạo chuỗi giá trị bền vững thông qua việc nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn
Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt hơn 11 tỷ USD, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,8%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho các đơn vị sản xuất vẫn còn hạn chế.
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Ðức Thịnh, cần phải xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tổ chức sản xuất thông qua các hợp tác xã phát triển các dịch vụ công của Nhà nước, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, thúc đẩy tín dụng bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trong vùng nguyên liệu không có cách nào là phải tăng cường mối liên kết giữa người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Là một trong những tỉnh có diện tích trồng cà-phê lớn nhất cả nước, để phát triển liên kết sản xuất cà-phê theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị, tỉnh Gia Lai đã thực hiện lồng ghép nhiều giải pháp, huy động nhiều nguồn lực từ Trung ương đến địa phương.
Hiện, toàn tỉnh có gần 240.000 ha diện tích các loại cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó, diện tích liên kết của cà-phê đạt 44.012 ha, với kinh phí thực hiện khoảng 15 tỷ 613 triệu đồng, trong đó kinh phí đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ là 8 tỷ 401 triệu đồng. Ði đầu trong chuỗi liên kết sản xuất phải kể đến mô hình của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp làm đầu mối chuỗi liên kết.
Mô hình liên kết trải rộng trên địa bàn của sáu huyện với sự tham gia của 12 hợp tác xã và 7.000 hộ dân, trên diện tích: 20.000 ha (quy trình 4C: 10.000 ha, quy trình UTZ: 1.241 ha, quy trình Organic: 45 ha) và 8.714 ha liên kết với các hộ nông dân trồng cà-phê trực tiếp. Sản lượng thu mua hằng năm đạt 70.000 tấn cà-phê nhân.
Xác định phát triển nông, lâm nghiệp theo chuỗi, từ đó kích thích sản xuất, gia tăng giá trị kinh tế cũng là thế mạnh trong phát triển kinh tế tại tỉnh Quảng Trị. Ðể phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã có nhiều giải pháp kích cầu sản xuất như: Hỗ trợ 100.000 cây mầm mô và các vật tư, thiết bị, tổ chức tập huấn cho cán bộ, người dân… về công tác trồng rừng, về kỹ thuật chăm sóc, khai thác nhằm đạt và giữ vững các tiêu chuẩn của chứng chỉ FSC.
Nhờ đó, tại Quảng Trị, nhiều mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn đã được hình thành. Có thể kể đến mô hình cây keo lai , quy mô 16 ha, của các hộ dân xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ; xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh; xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong và xã Hải Phú, huyện Hải Lăng.
Không chỉ phát triển các mô hình trồng rừng thâm canh trong dân, tại Quảng Trị cũng xuất hiện những mô hình liên kết giữa hợp tác xã lâm nghiệp với công ty chuyên chế biến sản phẩm từ gỗ. Ðơn cử, mô hình liên kết bền vững Keo Sơn với Công ty TNHH MTV gỗ Nguyên Phong. Hiện hai bên đang duy trì sản xuất theo quy mô thỏa thuận liên kết là 423,5 ha rừng. Trong đó, năm 2023 trồng mới 89 ha cây keo lai sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, tiến tới mở rộng liên kết với diện tích 2.000 ha vào năm 2026 đã và đang mang lại nguồn lợi kinh tế cao.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, hiện liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp của tỉnh bước đầu đã thành công, hình thành được một số chuỗi liên kết với các công ty. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu gỗ dăm cao, ít có sự chênh lệch giá giữa rừng gỗ lớn và gỗ dăm nên người dân chưa thật sự quan tâm đến giá trị lâu dài của gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC.
Mặt khác, giá gỗ rừng trồng biến động thất thường dẫn đến những khó khăn trong vấn đề liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề đầu ra sản phẩm nên lượng tiêu thụ cầm chừng... Ðây là những hạn chế được cho là lực cản trong phát triển vùng nguyên liệu chuyên sâu, bền vững không chỉ của tỉnh Quảng Trị mà còn của nhiều địa phương được chọn vào đề án thí điểm phát triển vùng nguyên liệu lâm nghiệp chuyên sâu.
Đẩy mạnh bố trí nguồn vốn, hỗ trợ đầu tư
Ðể hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn trong phát triển nguồn nguyên liệu chuyên sâu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và tham mưu Chính phủ ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ địa phương trong vùng dự án. Trong đó, phải kể đến việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký hợp tác kế hoạch triển khai với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (đơn vị đầu mối đề án vùng nguyên liệu) để thành lập mới 66 hợp tác xã và 5 liên hiệp hợp tác xã; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị hợp tác xã; đào tạo cho các giám đốc hợp tác xã. Xây dựng 22 dự án, mô hình khuyến nông-khuyến lâm chuyên sâu, hiện đại... Ðồng thời, tổ chức 5 chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng, nhằm hỗ trợ đề án.
Thực tế cho thấy, bằng nguồn lực tự có của doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương và từ các ngân hàng, nhiều mô hình liên kết sản xuất chuyên sâu đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người dân, đồng thời, khẳng định việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn sẽ khắc phục được những hạn chế của nông nghiệp như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác, liên kết.
Bên cạnh đó, việc tăng cường gắn kết giữa vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến; nâng cao năng lực quản trị về cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất, phục vụ cho thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng... đã tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.
Nhờ những chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nhiều vùng nguyên liệu trong dự án đã có được những thành công nhất định. Chỉ tính riêng tỉnh Gia Lai, giá trị xuất khẩu cà-phê năm 2022 đạt 490 triệu USD/690 triệu USD giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.
Ðịnh hướng đến năm 2030, Gia Lai sẽ đạt diện tích cà-phê khoảng 100.000 ha, trong đó 80% diện tích cà-phê sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Tỉnh cũng đặt mục tiêu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước, cơ giới hóa nông nghiệp, sản xuất cà-phê đặc sản, bền vững, nông nghiệp tuần hoàn đối với sản phẩm cà-phê, nhằm khai thác thế mạnh của cây cà-phê một trong những cây chủ lực của địa phương trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, hướng phát triển của nông nghiệp sẽ phải kết hợp cả quy mô lớn với quy mô nhỏ. Vì vậy, phải tích tụ, tập trung thành những chuỗi giá trị lớn, đồng thời không xóa đi vai trò của những hộ kinh doanh nhỏ, nhỏ nhưng không lẻ, phải liên kết lại với nhau. Làm sao nhỏ nhưng phải kết nối lại theo chuỗi, như những giọt nước kết nối với nhau thành biển cả, chứ không phải thủ tiêu cái nhỏ, cái nhỏ kết nối sẽ thành chuỗi lớn.
Xuất phát từ quan điểm kết nối cái nhỏ thành chuỗi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp bộ với 31 thành viên, trong đó Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Trưởng ban, thành viên Ban là lãnh đạo Ủy ban nhân dân 13 tỉnh tham gia đề án và lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ.
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng đã thành lập hai tổ công tác phụ trách theo địa bàn từng vùng để triển khai thực hiện đề án ở địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng, giúp chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp, tư vấn về cách tổ chức sản xuất và tư vấn về thông tin giá cả thị trường.
Nhờ đó, chỉ sau hai năm triển khai đề án 5 vùng nguyên liệu thí điểm đã cơ bản hình thành rõ nét và phát triển cả về quy mô diện tích và chất lượng hoạt động. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, thời gian tới, đối tượng tham gia dự án sẽ là doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản, hợp tác xã và 185 nghìn hộ nông dân, trong đó, hạt nhân là các hợp tác xã.
Theo Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tổng diện tích của 5 vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa thuộc dự án lên tới 158.300 ha. Trong đó, cây ăn quả vùng miền núi phía bắc (Sơn La, Hòa Bình) với diện tích 14.000 ha (chanh leo, dứa, xoài); gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững ở vùng ven biển miền trung (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) với diện tích 22.900 ha; cà-phê Tây Nguyên (Gia Lai, Ðắk Lắk) với diện tích 11.200 ha; lúa gạo vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang) 50.000 ha; cây ăn quả vùng Ðồng Tháp Mười (Ðồng Tháp, Tiền Giang, Long An) có diện tích 60.200 ha (xoài, mít, sầu riêng). Hiện 5 vùng nguyên liệu đang phát triển tốt, cho giá trị kinh tế cao.
Ý kiến ()