Phát triển bền vững từ các mô hình kinh tế tuần hoàn
Từ năm 2020, khái niệm Kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Từ cuối năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, tỉnh Quảng Ninh đã thông tin và quán triệt tới các cấp, ngành, đến các doanh nghiệp và người dân về kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, triển khai nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và gia tăng lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Điển hình mô hình "Ngân hàng gửi rác lấy tiền" tại Công ty CP Xây dựng và Xi măng Quảng Ninh. Đây là mô hình thu gom rác thải vô cơ có thể đốt cháy để thay thế một phần nguyên liệu sử dụng trong lò nung clinker. Ở nhiệt độ lên đến 1.400 độ C, tất cả các loại rác thải này bị tiêu hủy hoàn toàn, không phát sinh các loại khí thải độc hại, mùi hôi khét... như khi xử lý đốt ở môi trường thông thường, phù hợp với chủ trương của Bộ Xây dựng yêu cầu thay thế nguyên liệu đầu vào là than vốn đắt đỏ và ngày càng khan hiếm.
Đặc biệt, tỉnh đã nghiên cứu và xin chủ trương sử dụng đất đá thải từ các mỏ than làm vật liệu san lấp mặt bằng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, lượng đất đá bị bỏ đi từ các hoạt động khai thác than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt trên 150 triệu m³/năm. Việc sử dụng đất đá thải này không chỉ giúp giảm tải các bãi thải mà còn đáp ứng nhu cầu của các dự án xây dựng và phục hồi môi trường. Tháng 5/2023, Bộ Xây dựng gửi công văn số 1710/BXD-VLXD đến Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, hướng dẫn về thủ tục, tiêu chuẩn và kỹ thuật liên quan đến việc thu gom và tái chế chất thải rắn xây dựng để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Trong phát triển du lịch ở Quảng Ninh, nhiều mô hình bền vững, có tính tuần hoàn đã được thực hiện trong khai thác du lịch, như sử dụng năng lượng tái tạo, các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn chuyển sang tái tạo các vật liệu, dùng các túi phân hủy sinh học, ống hút giấy, cốc giấy, bằng gỗ, tre…; chai thủy tinh thay cho chai nhựa sử dụng một lần. Ngay từ năm 2019, UBND TP Hạ Long đã có quyết định cấm bán và sử dụng các loại chai nhựa trên Vịnh Hạ Long. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động du lịch, dịch vụ như: Tàu du lịch, bán hàng, xuồng cao tốc, chèo đò, kayak, ngọc trai… sẽ không sử dụng, bán các sản phẩm dùng một lần như: Cốc nhựa, ống hút nhựa, chai nước nhựa, hộp, bát đĩa đựng thức ăn, túi ni lông... Các tổ chức, cá nhân có hoạt động du lịch, dịch vụ có trách nhiệm tuyên truyền, thông báo và yêu cầu du khách không mang xuống tàu và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần khi tham quan Vịnh Hạ Long.
Còn tại huyện đảo Cô Tô, từ 15/9/2023, huyện yêu cầu du khách không được mang túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần ra các đảo trên địa bàn nhằm giảm thiểu chất thải nhựa và ô nhiễm môi trường biển. Ngoài ra, tất cả các cơ quan, đơn vị hành chính, trường học, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, các tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn huyện đảo cũng không được sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần.
Cùng với đó, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh cũng góp phần vào việc bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Nông dân trên địa bàn đã chuyển từ việc sử dụng hóa chất và phân bón hóa học sang phương pháp hữu cơ. Đồng thời, tận dụng bã cỏ và chất thải hữu ích khác để làm phân bón cho đất, giúp giảm thiểu lượng chất thải và đồng thời cải thiện dinh dưỡng cho cây trồng.
Trong nuôi trồng thủy sản, từ ngày 1/1/2023, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các cơ sở nuôi trồng thủy sản đang sử dụng phao xốp phải thay thế bằng phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường. Đây được coi là giải pháp đột phá và cách làm mới của Quảng Ninh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản. Đến thời điểm này, việc chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường đã cơ bản hoàn thành (đạt 99,5%) trên địa bàn toàn tỉnh. Các doanh nghiệp sản xuất thủy sản cũng thực hiện nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn. Điển hình như HTX Phát triển hàu sữa Quảng Ninh đã đầu tư dây chuyền chế biến vỏ hàu thành thức ăn chăn nuôi và phân bón. Điều này không chỉ giảm áp lực từ loại rác thải vỏ hàu, hà không thể phân hủy ở môi trường tự nhiên mà còn tạo ra những sản phẩm phục vụ nông nghiệp hiệu quả, lâu dài.
Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn, chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Ý kiến ()