Phát triển bền vững các khu kinh tế, khu công nghiệp
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, Quảng Ninh đã tập trung phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, của từng vùng, từng địa phương.
Đặc biệt, tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách ưu đãi mà tỉnh Quảng Ninh đang được hưởng để thu hút hiệu quả, có chọn lọc các dự án công nghiệp thông minh, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng nhiên liệu tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, đất đai, đóng góp lớn cho tăng trưởng ngân sách, trong đó, tập trung phát triển chủ yếu các ngành công nghiệp vào các KKT, KCN, CCN.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023, phương án phát triển KKT, KCN của tỉnh thời kỳ 2021-2030 gồm 5 KKT, 23 KCN. Đồng thời, định hướng, xác định đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu; ưu tiên thu hút các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, nâng cao hiệu quả kinh tế các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã thành lập. Tỉnh cũng định hướng phát triển theo chiều sâu các khu kinh tế, khu công nghiệp để tăng tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế, tăng tính liên kết giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế của Quảng Ninh - Hải Phòng, hình thành các cụm sản xuất có quy mô lớn, tập hợp các ngành liên kết.
Công tác lập quy hoạch KCN, KKT được Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Đến nay đã cơ bản hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt các Quy hoạch chung xây dựng và Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các KCN, KKT đảm bảo phù hợp với yêu cầu, tình hình và định hướng phát triển của tỉnh, làm cơ sở thu hút đầu tư hạ tầng KCN và các dự án đầu tư thứ cấp. Các quy hoạch được nghiên cứu phù hợp với quy hoạch lớp trên, nội dung được nghiên cứu bài bản, chuyên sâu, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, các ngành nghề thu hút đầu tư trong các đồ án quy hoạch đảm bảo theo định hướng phát triển của tỉnh, đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư hạ tầng, các nhà đầu tư thứ cấp.
Từ năm 2020 đến nay, hạ tầng kỹ thuật động lực kết nối các KCN, KKT của tỉnh có bước phát triển đột phá. Tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tuyến đường kết nối từ nút giao Phong Hải đến KCN Nam Tiền Phong, dự án đường nối KCN Việt Hưng với KCN Cái Lân, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Hiện đang tiếp tục triển khai: Dự án Nút giao cao tốc Đầm Nhà Mạc và tuyến đường trục Đầm Nhà Mạc, Dự án đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến đường tỉnh 338 kết nối KCN Sông Khoai.... Hạ tầng điện, nước được chú trọng trong đầu tư, đấu nối đến các KCN, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp. Nhìn chung, các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh đã và đang được xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ và là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 5 KKT (2 KKT ven biển và 3 KKT cửa khẩu ) với tổng diện tích 375.171 ha và 09 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 7 KCN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phê duyệt thành lập, đang còn hiệu lực với tổng diện tích 6.867,92 ha. Toàn tỉnh có 6/9 KCN nằm trong ranh giới các KKT và được hưởng chính sách ưu đãi của địa bàn KKT; có 8 KCN đã thu hút được dự án thứ cấp; 2 KCN đã được thành lập, đang đầu tư xây dựng; và 4 KCN chưa có nhà đầu tư xây dựng hạ tầng. Tính đến hết tháng 9/2023, tỷ lệ lấp đầy trung bình tính theo diện tích đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê trên tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê của các KCN đạt: 43,35%. Trong đó KCN Cái Lân (100%), KCN Đông Mai (86,14%), KCN Việt Hưng (42,65%), KCN Hải Yên (47,08%), KCN Texhong Hải Hà (39,67%), KCN Nam Tiền Phong (1,21%), KCN Bắc Tiền Phong (8,28%), KCN Sông Khoai (14,28%).
Ngoài các KCN đã được thành lập, triển khai Quy hoạch tỉnh, các sở, ban, ngành đã tiếp tục rà soát, đề xuất triển khai các KCN có trong quy hoạch và bổ sung, mở rộng một số khu công nghiệp phù hợp với tình hình và nhu cầu phát triển của địa phương để báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh theo quy định.
Ngày 1/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã ký Quyết định 1279/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh đã đề ra và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án; xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện Quy hoạch tỉnh. Trong đó, xác định Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn là một trong 6 đề án trọng tâm, trọng điểm; đồng thời xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trong đó có hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Ý kiến ()