Phát huy giá trị di sản, di tích quốc gia
Di sản thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử, văn hóa được coi là nguồn tài nguyên vô giá, không chỉ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử mà còn tạo nên sức hút cho du lịch, cho mỗi địa phương, mỗi vùng miền, mỗi quốc gia. Với lợi thế là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, có nhiều bản sắc văn hoá, Quảng Ninh đã và đang khai thác, phát huy giá trị của di sản, di tích để phát triển du lịch, cùng với đó là ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản, di tích.
Ngày 24/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1225/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với quần thể Thương cảng Vân Đồn và Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ (TP Móng Cái).
Theo tài liệu lịch sử, Thương cảng Vân Đồn được thành lập từ khoảng năm 1149 đời vua Lý Anh Tông. Trong suốt hơn 700 năm lịch sử, không chỉ hoạt động đơn tuyến với chỉ một bến cảng duy nhất mà là một hệ thống các bến bãi, vụng đỗ tàu liên đới với nhau. Trung tâm của thương cảng có phạm vi 200km2, ở vùng Vịnh Bái Tử Long, thuộc địa bàn xã Thắng Lợi, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn). Vùng Cống Đông - Cống Tây (xã đảo Thắng Lợi, huyện Vân Đồn) là trung tâm một thời của Thương cảng Vân Đồn.
Còn đối với đình Trà Cổ là Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật quốc gia tiêu biểu của TP Móng Cái. Hằng năm, từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch, tại đình diễn ra lễ hội truyền thống. Nét độc đáo của Lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước và tục thi “Ông Voi” (lợn) độc đáo. Năm 2019, Lễ hội đình Trà Cổ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Như vậy đến thời điểm này, Quảng Ninh sở hữu 8 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Thương cảng Vân Đồn; Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ (TP Móng Cái); Danh lam Vịnh Hạ Long (TP Hạ Long); Di tích lịch sử Bạch Đằng (TP Uông Bí và TX Quảng Yên); Di tích lịch sử Yên Tử (TP Uông Bí và TX Đông Triều); Di tích lịch sử Nhà Trần (TX Đông Triều); Di tích lịch sử đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả và huyện Vân Đồn); Khu Di tích Hồ Chủ tịch ở đảo Cô Tô (huyện Cô Tô).
Đây đều là những địa danh chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa, thể hiện bản sắc của vùng đất Quảng Ninh và trở thành những địa điểm thu hút khách du lịch ở trong, ngoài nước đến với Vùng mỏ.
Không chỉ đón tin vui về di tích quốc gia đặc biệt, người dân Đất mỏ còn tự hào khi Quảng Ninh có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, ngày 10/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các Quyết định 3421/QÐ-BVHTTDL, 3422/QÐ-BVHTTDL, 3423/QÐ-BVHTTDL, 3424/QÐ-BVHTTDL, 3425/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quảng Ninh có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng cô của người Sán Dìu tỉnh Quảng Ninh; Lễ hội đình Đầm Hà (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà); Lễ hội đình Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) và Lễ hội Xuống đồng (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên).
Như vậy, tính đến nay tỉnh Quảng Ninh có 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận trước đó gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Nhà tơ (hát cửa đình); Lễ hội đền Cửa Ông; Lễ hội Tiên Công; Lễ hội đình Trà Cổ; Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng.
Có thể nói, Quảng Ninh có hệ thống di sản, di tích lịch sử, văn hóa phong phú, độc đáo, đa dạng. Toàn tỉnh hiện có 632 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, cùng trên 360 di sản văn hóa phi vật thể. Đây là tài sản vô giá để Quảng Ninh phát huy những giá trị gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của các di sản, di tích, Quảng Ninh đã và đang chú trọng dành nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích gắn với khai thác phát triển du lịch, qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, văn hóa, con người Quảng Ninh đến với người dân và du khách thập phương.
Ý kiến ()