Phát động toàn dân tham gia cung cấp thông tin vi phạm an toàn giao thông
Quảng Ninh luôn xác định vấn đề bảo đảm trật tự ATGT là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, là một mục tiêu đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của đông đảo quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Nhờ đó, công tác đảm bảo trật tự ATGT đã có chuyển biến. Theo báo cáo của Ban ATGT, 11 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra 72 vụ TNGT, làm 42 người tử vong, 75 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ giảm 5 vụ, số người chết giảm 3 người, số người bị thương tăng 15 người.
Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện chủ trương tập trung đầu tư nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng, thúc đẩy mở rộng khả năng giao thương, liên kết vùng - miền, tạo điều kiện thuận lợi tăng trưởng kinh tế. Mạng lưới giao thông trên địa bàn rất đa dạng, song kết cấu hạ tầng còn chưa đồng bộ, tổ chức giao thông tại một số địa phương còn bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận nhân dân còn hạn chế... Đây là những yếu tố tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong đảm bảo trật tự ATGT, Quảng Ninh đã xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự ATGT” trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự ATGT; kiên trì xây dựng văn hoá chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục giảm TNGT, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông. Đồng thời, phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, cung cấp, phản ánh các thông tin, tài liệu, làm cơ sở, căn cứ để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Theo đó, phong trào sẽ được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Ninh nhằm tuyên truyền nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự ATGT; hướng dẫn cách thức nhận diện, phát động nhân dân chủ động phát hiện, kịp thời phản ánh các hành vi vi phạm về trật tự ATGT, cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm cho lực lượng Cảnh sát giao thông để xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm sẽ tập trung vào các hành vi chở quá số người quy định; đón, trả khách, dừng, đỗ không đúng nơi quy định; xe ô tô chở hàng quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng; không che phủ bạt, chở vật liệu để rơi vãi; đi vào đường cấm, đi ngược chiều; điều khiển xe đi không đúng làn đường quy định; vượt đèn đỏ; dừng, đỗ không đúng nơi quy định; đi vào làn dừng phương tiện khẩn cấp của đường cao tốc; điều khiển xe lạng lách, đánh võng gây mất trật tự ATGT, ANTT, an toàn xã hội; phương tiện thủy không có dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, chở quá số người quy định, quá vạch dấu mớn nước an toàn; các hành vi vi phạm hành lang ATGT... và các hành vi vi phạm ATGT khác.
Các thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm được thực hiện bằng các phương pháp như: Quay video clip, chụp ảnh về hành vi vi phạm (sử dụng phương tiện cá nhân như máy ảnh, camera, điện thoại thông minh, camera hành trình...). Sau khi ghi nhận đầy đủ các thông tin về hành vi vi phạm, người dân liên hệ, phản ánh trực tiếp với Công an tỉnh (qua các kênh tương tác trực tuyến như: Số điện thoại của Phòng Cảnh sát giao thông: 069.2808.136, tài khoản Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Quảng Ninh”...) để tiếp nhận, xử lý tin; đồng thời cung cấp thông tin về tên tuổi, số căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người cung cấp (để đảm bảo tính chính danh; Công an tỉnh có trách nhiệm bảo đảm bí mật đối với danh tính của người cung cấp tin) để phục vụ công tác thông tin, phản hồi.
Quảng Ninh phấn đấu mỗi người dân là một “tuyên truyền viên” trong việc tuyên truyền, phổ biến, vận động người thân, gia đình chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt; là “cộng tác viên” đắc lực của lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Ý kiến ()