Ổn định giá cả thị trường
Ngay sau khi giá xăng tăng, nhiều mặt hàng trên thị trường đã có sự biến động về giá theo chiều hướng tăng theo giá xăng. Từ mớ rau, cân cá, cân thịt – những thực phẩm thiết yếu của con người - đã tăng từ vài trăm đồng đến vài ngàn đồng. Cùng với đó các doanh nghiệp vận tải hàng hoá, hành khách cũng đã rục rịch tăng giá cước để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Xăng là đầu vào quan trọng của nhiều ngành, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nó chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu giá thành. Vì vậy để tồn tại và phát triển các doanh nghiệp buộc phải tính toán lại chi phí, giá thành khi giá xăng tăng. Tuy nhiên, điều chỉnh giá như thế nào là bài toán mà các doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ để làm sao khách hàng chấp nhận được và doanh nghiệp vẫn có lãi. Đặc biệt cần chống tư tưởng lợi dụng việc tăng giá xăng để tăng giá hàng hoá, dịch vụ một cách vô lý, không có căn cứ.
Điều lo ngại nhất của người tiêu dùng hiện nay là các tư thương, hộ buôn bán nhỏ mặc dù chưa có những tác động trực tiếp nhưng vẫn tăng giá hàng hoá theo kiểu “ăn theo” mà chẳng có một căn cứ hợp lý nào.
Trong nền kinh tế thị trường quy luật cung – cầu chi phối giá cả thị trường. Hàng nhiều giá sẽ rẻ, hàng ít giá sẽ đắt. Song, nền kinh tế thị trường của chúng ta là có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Do vậy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giá cả trong thời điểm nhạy cảm hiện nay là rất quan trọng và cần thiết. Để ổn định giá cả thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, các lực lượng chức năng phải vào cuộc tích cực ngăn chặn, xử lý các trường hợp lợi dụng việc tăng giá xăng để tăng giá hàng hoá, dịch vụ một cách tuỳ tiện, kiếm lời bất chính. Làm được như vậy, họ mới thực sự xứng đáng là những cán bộ, công chức vì dân...
Ý kiến ()