
"Nóng" tai nạn lao động trong ngành Than
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng trong các đơn vị sản xuất than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Gần đây nhất là vụ TNLĐ xảy ra vào hồi 20h40’ ngày 7/4, tại Phân xưởng khai thác 5, khu vực Hà Ráng, thuộc Công ty Than Hạ Long, làm 1 người chết và 1 người bị thương. Nạn nhân tử vong là Đoàn Văn Sỹ, thợ lò bậc 5/6 (27 tuổi), quê Ninh Bình; nạn nhân bị thương là Phạm Ngọc Chi (31 tuổi), quê Hải Dương.
Nguyên nhân xảy ra tai nạn là do trong quá trình đào lò, đá ở khu vực gương lò trượt lở vùi lấp 2 công nhân. Mặc dù đã được phát hiện kịp thời, sơ cứu ban đầu và đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng nạn nhân Sỹ đã không qua khỏi...
Gần ngay trước đó, vào hồi 10h50’ ngày 17/3, trong khi nạo vét bùn tại bể lắng dưới đường lò mức -250 thuộc Công ty CP Than Mông Dương, do bùn than trượt lở xuống xe goòng khiến xe ép vào 1 công nhân dẫn đến tử vong. Nạn nhân là công nhân Nguyễn Văn Nam (SN 1984, quê Hà Nội), là công nhân sửa chữa điện và vận hành bơm nước của Công ty CP Than Mông Dương...
Cũng trong đầu tháng 3, đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động, một vụ tại Công ty Than Nam Mẫu, làm chết 1 người và bị thương 1 người; 1 vụ xảy ra tại Công ty Than Quang Hanh, khiến 3 công nhân bị thương...
Và không chỉ có công nhân, người lao động gặp nạn trong quá trình sản xuất, mà ngay cả cán bộ quản lý cũng đã bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong. Đó là trường hợp của Phó Quản đốc phân xưởng vận tải thuộc Công ty Tuyển than Cửa Ông, gặp tai nạn vào thời điểm cuối tháng 1/2018. Cụ thể, trong ca làm việc, khi đi kiểm tra, người Phó Quản đốc này đã sơ suất đứng vào khu vực băng tải dẫn đến bị cuốn vào gầm băng tải làm tử vong...
Chỉ trong một thời gian ngắn hơn 3 tháng, nhưng đã có tới liên tiếp 5 vụ tai nạn lao động xảy ra trong các đơn vị sản xuất than, làm chết 4 người, 5 người bị thương. Đây là điều đáng báo động và lo ngại về công tác đảm bảo an toàn lao động trong các đơn vị ngành Than...
Ai cũng hiểu lao động sản xuất than, nhất là sản xuất dưới hầm lò sâu là công việc cực nhọc, độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến TNLĐ, đặc biệt là TNLĐ nghiêm trọng dẫn đến chết người. Thực tế cho thấy, hầu như năm nào trong ngành Than cũng có TNLĐ chết người xảy ra. Ý thức được mức độ nguy hiểm này của công việc nên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất từ cấp Tập đoàn đến các đơn vị thành viên luôn luôn chú trọng, đề cao công tác đảm bảo an toàn lao động và coi đây là nhiệm vụ, mục tiêu hàng đầu. Nhiều quy định nghiêm khắc cũng đã được Tập đoàn và các đơn vị đề ra, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Không ít giám đốc các doanh nghiệp đã bị kỷ luật, chuyển công tác do để xảy ra nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng trong đơn vị do mình quản lý.
Mặc dù đã tăng cường và siết chặt công tác quản lý về an toàn lao động, nhưng vẫn không tránh khỏi những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Năm 2017 vừa qua được đánh giá là năm có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác an toàn lao động của ngành Than. Nhưng trong cả năm vẫn có tới 15 vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra, làm chết 16 người và gần chục người bị thương. Đây là năm được xem là có số vụ TNLĐ ít nhất và số người chết thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, năm 2016 có tới trên 20 vụ việc nghiêm trọng xảy ra, làm chết 23 người...
Lý giải về số vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra trong ngành Than thường ở mức cao, theo cơ quan chuyên môn, nguyên nhân trực tiếp của phần lớn các vụ việc là do người lao động còn chủ quan, lơ là, thiếu ý thức phòng ngừa TNLĐ, do đó dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng nghiệp. Bên cạnh đó cũng có một phần lỗi của người quản lý, sử dụng lao động ở một số đơn vị đã không chú trọng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy trình, quy phạm về an toàn lao động trong quá trình sản xuất. Công tác huấn luyện ATVSLĐ và tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn cũng chưa đạt chất lượng tốt, hiệu quả ở nhiều đơn vị.
Bởi vậy, để ngăn chặn và đẩy lùi TNLĐ trong thời gian còn lại của năm 2018 và những năm tới, thì ngành Than cần khắc phục ngay những lỗ hổng, sơ hở trong công tác quản lý an toàn lao động ở các đơn vị. Để sao cho người lao động lúc nào, ở đâu cũng phải thường trực ý thức phòng tránh và không thể vi phạm. Cùng với đó là đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hoá thiết bị, cơ sở vật chất để người lao động được làm việc trong môi trường thuận lợi, an toàn nhất. Và điều quan trọng nữa là cần có chế tài thật nghiêm khắc để xử lý những trường hợp vi phạm, không phân biệt đó là cán bộ quản lý hay công nhân lao động...
Thanh Tùng
Ý kiến ()