Ngành Nông nghiệp quyết tâm vượt khó
Là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 (YAGI), do đó ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, nông nghiệp Quảng Ninh đã dần được tái thiết và phục hồi, phát triển mạnh mẽ. Năm 2025, hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được tập trung thực hiện đồng bộ với việc chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn và phát triển các thế mạnh, sản xuất sản phẩm chủ lực.
Nỗ lực phục hồi sản xuất
Năm 2024, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã vượt qua nhiều khó khăn và thiên tai để thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển.
Bão số 3 đã tàn phá nặng nề những nỗ lực trong thực hiện phát triển nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, khiến nông nghiệp Quảng Ninh mất đến hơn 10.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực NTTS, toàn tỉnh đã có 3.108 cơ sở NTTS bị thiệt hại, 150 tàu cá bị chìm. Mặc dù vậy, sự chung tay góp sức của chính quyền và nỗ lực không biết mệt mỏi của người dân, chỉ trong thời gian ngắn sau bão, nhiều diện tích NTTS, cây trồng bị thiệt hại đã từng bước được khắc phục để dần trở lại sản xuất. Hiện các địa phương đã ban hành 326 quyết định giao mặt nước biển trong thẩm quyền cho hộ NTTS, với tổng diện tích 196,4ha. Trong đó, tại TX Quảng Yên có 318 hộ với diện tích 190,8ha, TP Cẩm Phả có 3 hộ với diện tích 3ha, huyện Vân Đồn có 5 hộ với diện tích 2,6ha.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn Đào Văn Vũ cho biết: Vân Đồn đang tích cực đẩy mạnh việc phục hồi, tái thiết sản xuất. Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện sắp xếp lại vùng NTTS theo đề án và diện tích đã được quy hoạch. Tiến hành tạm giao vị trí, diện tích mặt nước trên cơ sở hiện trạng các hộ đã nuôi cho người dân. Tới nay, đã thực hiện giao khu vực biển cho 5 hộ gia đình NTTS diện tích dưới 1ha trong vùng 3 hải lý thuộc thẩm quyền của cấp huyện, với tổng diện tích 2,6ha.
Thực hiện xác nhận khu vực biển để khôi phục sản xuất cho 85 HTX, với tổng số 1.208 thành viên, tổng diện tích tạm giao khoảng 8.589ha. Hiện nay người dân đã thả phao nuôi hàu được khoảng 3.791ha, xuống giống mới được 2.116ha. Đối với nuôi cá, đã khôi phục hoàn toàn số lồng cá bị bão đánh hư hỏng, với số lượng 3.750 ô lồng. Thời điểm này, huyện vẫn đang tích cực tập trung hướng dẫn người dân thực hiện quy trình sản xuất trên tất cả các lĩnh vực nông lâm, thuỷ sản để phục hồi sản xuất.
Tới nay, nhiều diện tích NTTS bị ảnh hưởng tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, như Quảng Yên, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cẩm Phả cũng đã nhanh chóng được khôi phục sản xuất. Nhiều hoạt động đã được triển khai thực hiện và đạt hiệu quả. Hiện nay toàn tỉnh đang thực hiện công tác sắp xếp khu vực biển để thu hút doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, khoa học công nghệ đầu tư phát triển nuôi biển công nghiệp, hiện đại, với diện tích 13.400ha.
Trong đó, đã có các doanh nghiệp, HTX đề xuất nghiên cứu với diện tích gần 12.000ha tập trung tại 7 địa phương là Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái và Hạ Long. Cùng với đó, đến thời điểm này hầu hết các địa phương đã hoàn thành phê duyệt đề án, phương án chi tiết NTTS; hoạt động tổ chức sản xuất nuôi biển được nâng lên rõ rệt khi đã có 1.339 cơ sở, với hơn 150 tổ chức kinh tế, trong đó có 60 HTX thành lập mới.
Kinh tế nông nghiệp cũng có bước phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, quy mô sản xuất hàng hóa lớn và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Theo đó, sau bão các vùng sản xuất tập trung như lúa chất lượng cao; hoa, cây cảnh; rau an toàn; cây ăn quả; cây dược liệu; lâm sản ngoài gỗ… tiếp tục được xây dựng, phát triển theo chuỗi giá trị, hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải. Công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và nội tiêu được đẩy mạnh, chất lượng sản phẩm được nâng cao, tạo dựng được chỗ đứng ổn định trên thị trường và đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Các vùng sản xuất hàng hóa tập trung được đẩy mạnh duy trì và phát triển với diện tích khoảng 6.358ha, tương ứng với hơn 10.900ha diện tích trồng trọt; khoảng 1.100ha cây trồng duy trì sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, trong đó có 322,35ha đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 90ha lúa và 329ha quế được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ; tiếp tục phát triển và duy trì 46 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, 17 mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu, 9 mã số cơ sở đóng gói.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng đã đẩy mạnh rà soát các hoạt động trồng trọt sau bão, tập trung chỉ đạo, phối hợp với các địa phương thực hiện việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS, cũng như cây trồng khác có thu nhập cao hơn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, thị trường tiêu thụ ổn định, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất.
Trong phát triển lâm nghiệp, tiếp tục thực hiện việc đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng trồng. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện trồng lim, giổi, lát bản địa ở những nơi có điều kiện phù hợp; thúc đẩy phát triển trồng rừng theo mô hình cây gỗ lớn, giá trị cao.
Tính đến hết năm 2024, theo thống kê của Sở NN&PTNT, do thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3, các chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tuy không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, nhưng cơ bản hoàn thành mục tiêu kịch bản tăng trưởng điều chỉnh. Theo đó, tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản cả năm ước đạt 0,08%, tuy chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (4,56%), nhưng đã cao hơn so với mục tiêu của kịch bản tăng trưởng điều chỉnh là 0,04%. Tính chung giai đoạn 2021-2024, tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3,8%/năm, đạt mục tiêu phấn đấu đề ra (3,2%/năm).
Tăng tốc bứt phá
Bước sang năm 2025, nông nghiệp Quảng Ninh đặt chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành đạt 3%. Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm khoảng 62.221ha, sản lượng lương thực cây có hạt đạt 215.860 tấn; tổng đàn gia súc, gia cầm 5.852.500 con, sản lượng thịt hơi các loại đạt 103.000 tấn; diện tích trồng rừng tập trung đạt 31.847ha (diện tích trồng rừng phòng hộ 2.724ha, diện tích trồng rừng sản xuất 29.123ha); sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 1.058.660m3; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42%, nâng cao chất lượng rừng; tổng sản lượng thủy sản 175.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản 77.000 tấn và sản lượng NTTS 98.000 tấn.
Cùng với sản xuất, ngành nông nghiệp cũng đặt ra các mục tiêu sẽ thực hiện trong năm 2025, trong đó phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 100% cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP được ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; phấn đấu thành lập mới 20 HTX nông nghiệp; 100% số xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt 60% và tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đạt 30%...
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trần Văn Thực, hiện các địa phương trong tỉnh đã tập trung trồng cây vụ đông; trồng những loại cây có giá trị lớn như hoa, cây cảnh, rau, ngô, khoai các loại... Phát triển đàn vật nuôi, sản xuất các sản phẩm OCOP với số lượng rất lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Tháng 1/2025 là thời điểm thu hoạch một số cây vụ Đông chủ lực, trong đó riêng cây ngô dự kiến sản lượng tăng hơn vụ đông năm trước 1.000 tấn. Cùng với đó, sản lượng chăn nuôi, thuỷ sản được tiêu thụ trong và sau Tết Nguyên đán cũng đóng góp vào mức tăng trưởng quý I - 2025. Đây là khởi đầu thuận lợi cho nông nghiệp tỉnh nhà trong năm 2025 sau những thiệt hại nặng nề do thiên tai.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn cho biết: Để đảm bảo các chỉ tiêu thực hiện trong năm 2025, sở đã xây dựng kế hoạch phát triển chi tiết để triển khai thực hiện. Trong đó, sẽ chú trọng tập trung việc đẩy mạnh cơ cấu lại, nhanh chóng phục hồi sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp sau bão số 3 và thực hiện việc phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Tập trung triển khai quy hoạch và thực hiện các cơ chế, chính sách, đề án, dự án trong phát triển sản xuất phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển chuỗi nông sản chủ lực cấp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phối hợp thực hiện đề án phát triển vùng cây ăn quả tập trung tại Đầm Hà, Tiên Yên; thực hiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất...
Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, các hoạt động chế biến nông sản, sản phẩm OCOP, cơ giới hóa nông nghiệp và phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hướng tới phát triển nông nghiệp Quảng Ninh ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Ý kiến ()