Vân Đồn nâng cao giá trị các sản phẩm thủy sản
Vân Đồn là địa phương có nguồn thủy hải sản phong phú, đa dạng, có giá trị kinh tế cao. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tận dụng hiệu quả nguồn lợi này, triển khai đầu tư các dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại, biến những sản phẩm này thành những sản phẩm OCOP có giá trị, thương hiệu, được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước.
Trong vài năm trở lại đây, bằng tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, các đơn vị doanh nghiệp như: Công ty CP Thủy sản Cái Rồng, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (Bavabi), Công ty TNHH MTV Newstar, Công ty CP Nước mắm Cái Rồng… đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, dây chuyền với công nghệ hiện đại, chế biến sâu đã biến nhiều loại thủy sản của Vân Đồn trở lên có giá trị trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đơn cử như sản phẩm ruốc hàu, ruốc tôm, ruốc cá của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (Bavabi); các loại nước mắm của Công ty TNHH MTV Newstar.
Nối tiếp thành công của những đơn vị doanh nghiệp này, trong năm 2024, với vai trò là Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn (huyện Vân Đồn) trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn đã không ngần ngại đầu tư hệ thống dây chuyền chế biến tiên tiến, hiện đại, hình thành nên nhiều sản phẩm thủy sản chất lượng, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được thị hiếu, lòng mong mỏi của người tiêu dùng, đặc biệt trong mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn, chia sẻ: Sá sùng là một loại hải sản có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng chế biến phức tạp. Trước nhu cầu của thị trường và để thuận tiện hơn trong việc sử dụng, sau một thời gian trăn trở, công ty đã quyết định đầu tư dây chuyền chế biến thành sản phẩm ăn liền. Con sá sùng sau khi được sơ chế, loại bỏ hết phần cát, được cho vào hệ thống dây chuyền chế biến sâu, hình thành nên sản phẩm sá sùng rang ăn liền, ruốc sá sùng, bột nêm sá sùng. Đây là lần đầu tiên trên thị trường có những sản phẩm được chế biến từ con sá sùng nổi tiếng của Vân Đồn. Các sản phẩm này hiện đã được công ty mang đi giới thiệu, quảng bá trong và ngoài tỉnh, được thị trường tiếp nhận, đánh giá cao. Hiện đã được cung cấp cho một số nhà hàng ở Hà Nội.
Trước nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong dịp Tết, hiện nay, Công ty đang tập trung nhân lực sơ chế, đóng gói thành những gói quà tặng, biếu ý nghĩa và tham gia hội chợ OCOP cuối năm. Được biết, ngoài các sản phẩm từ sá sùng, hiện Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn cũng đã sản xuất thành công ruốc tôm, ruốc bề bề thương hiệu Bosa, mang lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng trong bối cảnh cuộc sống hiện đại. Trong thời gian tới đây, khi Cụm công nghiệp Vân Đồn được hoàn thành, Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn sẽ đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất, gia tăng sản lượng các sản phẩm chế biến từ sá sùng và các loại hải sản của Vân Đồn.
Theo lãnh đạo UBND huyện Vân Đồn, từ việc áp dụng triển khai các công nghệ tiên tiến, hiện đại vào trong chế biến các sản phẩm nông, thủy sản, đến nay, trên địa bàn huyện Vân Đồn đã hình thành nên 53 sản phẩm OCOP. Trong đó có 41 sản phẩm đạt 3 sao; 11 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao. Trung bình mỗi năm, các sản phẩm này tiêu thụ ra ngoài thị trường đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Địa phương đang tích cực chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX hình thành nên những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo quy hoạch sau bão số 3 (Yagi) và bảo vệ môi trường biển, đảm bảo nguồn nguyên liệu dồi dào, phục vụ cho hoạt động chế biến sâu, nâng cao giá trị các sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững.
Ý kiến ()