20
18
/
997914
Những khúc ca lay động trái tim người Vùng mỏ
longform
Những khúc ca lay động trái tim người Vùng mỏ

Hào hùng, sục sôi khí thế đấu tranh, sản xuất trong thời chiến; bay bổng, lãng mạn trong thời bình… Đó có lẽ là âm hưởng chung trong giai điệu các ca khúc đã gắn bó, đi cùng năm tháng với biết bao thế hệ người Vùng mỏ, bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ trước với “Những ngôi sao ca đêm”, “Tôi là người thợ lò”, “Đường đi lên mỏ hôm nay”…

Giai đoạn ấy là một trong những giai đoạn khó khăn của Vùng mỏ khi nơi đây là trọng điểm sản xuất than của cả nước, người công nhân phải vừa sản xuất vừa chiến đấu, chống lại sự bắn phá của giặc Mỹ, trong khi “Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ”.

Khó khăn, ác liệt, nhưng người thợ mỏ đã kiên cường vượt mọi khó khăn để đi tới. Hoàn cảnh khắc nghiệt, sự bi hùng ấy đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhận thức, cảm hứng sáng tạo và trách nhiệm với dân tộc của các nhạc sĩ từ trung ương về Vùng mỏ sống, lao động và thực tế sáng tác thời ấy.

Đó là nhạc sĩ Trần Chung với ca khúc “Khi chúng tôi vào lò”; nhạc sĩ Xuân Giao với ca khúc “Đất mỏ anh hùng”; nhạc sĩ Tân Huyền với “Đường đi lên mỏ hôm nay”; nhạc sĩ Hoàng Vân với “Tôi là người thợ lò”, “Tình ca người thợ mỏ”; nhạc sĩ Phạm Tuyên với “Những ngôi sao ca đêm”; nhạc sĩ Trọng Bằng với “Nhịp máy khoan”…

Các nhạc sĩ ấy sau này đều trở thành những tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam. Còn những ca khúc của một thời đã có sức sống lâu bền, gắn với vùng đất, con người vùng than cho tới hôm nay, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, qua các hội thi, hội diễn của ngành Than, qua các chương trình truyền thanh của các công ty than và nhiều chương trình văn nghệ quần chúng từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Ai trong chúng ta mỗi lần nghe ca khúc “Tôi là người thợ lò” hẳn cũng dâng lên tình yêu thiêng liêng với vùng than. Giai điệu ca khúc chứa đựng niềm tự hào, kiêu hãnh, khí thế tiến quân sản xuất như đánh giặc một thời của người thợ mỏ: Tôi là người thợ lò/ Sinh ra trên đất mỏ/ Trong những ngày cờ đỏ/ Bay trên núi Bài Thơ.../ Có nghe tiếng mìn nổ dậy đấtTiếng máy reo như tiếng bước đoàn thợ mỏ tiến quân.../ Nào, đồng chí chúng ta ơi, ta tiến quân vào lò... Lá cờ đỏ bay trên núi Bài Thơ là biểu tượng của vùng than. Nhịp điệu hùng tráng như âm vang từ lòng đất sâu thẳm, từ cuộc sống lao động khẩn trương, khỏe khoắn của những người thợ mỏ anh hùng.

Nhịp sống vùng than, nhịp sống công nghiệp sôi động được khắc họa nhưng cũng không thiếu những vẻ đẹp bay bổng, lãng mạnh được thể hiện trong các ca khúc. Hãy nghe giai điệu sâu lắng đến vô cùng, tận hưởng những khoảnh khắc đẹp như mơ giữa tầng than bụi bặm trong “Những ngôi sao ca đêm”: Ơi hỡi các vì sao, những người bạn đường đêm nay/ Nghe thấy chăng tiếng hát của chúng tôi/ Sao lấp lánh trên trời cao/ Sao lấp lánh trên tầng cao/ Sao lấp lánh thành phố mỏ/ Ta làm ra bao ánh sao lung linh...

Hay giai điệu trầm hùng và ca từ nên thơ với “Khi chúng tôi vào lò”: "Khi chúng tôi vào lò, trăng về khuya chờ đợi. Khi chúng tôi vào lò, sương dần buông đầu núi. Vàng Danh ơi Vàng Danh! Nghe tiếng khoan reo đêm nay vào sâu trong vách núi. Tiếng mìn tiếng choòng, cùng với tiếng hát, đâu từ xa vọng theo. Bước chân chúng tôi đi vào lò…".

Các đoạn trong ca khúc có rất nhiều những hình ảnh đẹp như thế. Còn ca khúc “Tình ca người thợ mỏ” được nhạc sĩ Hoàng Vân viết khi về thực tế ở Quảng Ninh vào năm 1982, giai đoạn khó khăn, gian khổ của ngành Than, nhưng ca từ trong ca khúc được đánh giá là đã dâng lên một không khí lãng mạn cách mạng thuở ấy.

Có một ca khúc đặc biệt, cũng ra đời trong một chuyến đi thực tế của các nhạc sĩ ở Quảng Ninh nhưng lại ra đời khá ngẫu nhiên, đó là “Mái đình làng biển”. Nguyễn Cường, nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc máu lửa về Tây Nguyên, kể rằng ông đã viết ca khúc rất nhanh, chỉ khoảng 15 phút trong quá trình tham quan ngôi đình vùng biên giới Móng Cái này. Không định trước về chuyến viếng thăm ngôi đình, chính vì thế ông khá ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hiếm có của mái đình. Lại nữa, ngôi đình nơi này giống như một cột mốc văn hóa biên giới của nước Việt… Vậy là âm nhạc cứ tự bật ra một cách tự nhiên, rất nhanh.

Ca khúc này viết về mái đình làng biển Trà Cổ nhưng đời sống của nó thì không chỉ với đất và người Quảng Ninh. Có lẽ, chính vì sức lan tỏa mạnh mẽ, tính khái quát hóa cao mà ca khúc ban đầu được đặt lời là “Mái đình Trà Cổ”, rồi sau mọi người tự động đổi thành “Mái đình làng biển”, rồi “Mái đình làng Việt”.

Nhạc sĩ Đỗ Hòa An, người trai Phú Thọ về với biển Hạ Long, có thể xem là một trong những nhạc sĩ sung sức nhất, khi ông đã sáng tác trên dưới 500 ca khúc cho đến nay. Các ca khúc của ông đi sâu vào nhiều mảng đề tài khác nhau, đã gọi tên rất nhiều những địa danh trên dải đất Quảng Ninh thân yêu, từ Trà Cổ - Móng Cái, Bình Liêu, Cẩm Phả, Hạ Long, Bãi Cháy, Vàng Danh, Yên Tử, Cô Tô... Với “Cõi thiêng” Yên Tử là giai điệu ngân vang, cao vút: “Lên cao để thấy Yên Tử ngàn năm một coi thiêng, lên cao để thấy, mái chùa cong cong gánh nặng thời gian…”. Hay với dải đất địa đầu là sự sâu lắng trong “Hoa xương rồng”: “Trà Cổ ơi, ngàn năm cát không quên vết chân trần, giọng hò ngư dân trôi vào đêm vắng khơi xa”.

Ông từng chia sẻ, Quảng Ninh là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác của ông trong hơn 40 năm qua. Quả thật, nhạc sĩ Đỗ Hoà An đã có những ca khúc hay ở nhiều mảng đề tài khác nhau, như: “Người chiến sĩ đứng gác trên đảo Cô Tô”, “Cô Tô nhớ Bác”, “Đảng là mùa xuân người thợ”, “Vùng than nhớ Bác”, “Bác Hồ sống mãi với thợ mỏ vùng than”. “Thơ thợ lò”, “Rồng hóa đá”, “Vũ điệu Hạ Long”…

Vậy nhưng, thân quen nhất, để ai yêu Hạ Long cũng có thể ngân nga vài giai điệu có lẽ phải kể đến “Hạ Long biển nhớ” và “Quê em”. Gọi đây là “Quảng Ninh ca”, “Hạ Long ca” có lẽ cũng không quá, bởi ở rất nhiều những cuộc giao lưu, gặp gỡ với bạn bè các tỉnh, thành, chỉ cần nhắc đến Quảng Ninh là người ta nhớ ngay tới các ca khúc này. “Hạ Long biển nhớ” có lời ca dễ nhớ, dễ thuộc, giai điệu tha thiết như gửi gắm tình yêu với biển, với Hạ Long: “Đã mấy mùa than anh chưa về với biển, về với Hạ Long gió lộng mây hồng, có phố thợ chênh vênh lưng núi, có dải lụa sương mờ Tuần Châu…” Còn “Quê em” lại có sự mãnh liệt trong cảm xúc: “Nếu anh chưa đến quê hương em. Anh sẽ không tin lời em nói đâu... Ở nơi em! Biển khơi lấp lánh ánh đèn, hoà trong tiếng dô huầy. Ở nơi em! Nắng, nắng thật vàng và gió, gió dạt dào. Mưa, mưa ngập tràn và con người đã yêu, yêu nồng nàn…

Nhạc sĩ Xuân Nhật có ca khúc “Huyền thoại Hạ Long” với âm hưởng mênh mang thực thực, hư hư dẫn dắt người nghe về huyền tích Hạ Long. Hay ca khúc “Xa Hạ Long” lại là nỗi niềm da diết xa nhớ Hạ Long thầm kín trong ông.

Một trong số những ca khúc hay về Hạ Long là “Đêm trăng Hạ Long” của nhạc sĩ Lê Đăng Vệ. Lời ca nhẹ nhàng, quyến rũ: “Đêm trăng trên Hạ Long, biển khơi sóng xô thuyền ta xa bờ. Xa khơi đêm cùng trăng, về nơi bến mơ về nơi quyến rũ. Lênh đênh con thuyền trôi, kìa núi đứng im như ngắm mây trời. Đá hát mãi bài ca, hang động như chốn thần tiên… Một đêm trăng sáng, biển ngân câu hát. Bằng muôn con sóng ru thuyền ra khơi. Hò dô kéo lưới, buồm căng gió mới. Đầy khoang cá tươi ngày mai về bến...

Hạ Long là nơi ông sinh ra và lớn lên, điều đó có thể lý giải vì sao nhạc sĩ Lê Đăng Vệ đã sáng tác nhiều ca khúc, nhưng sâu đậm nhất, để lại ấn tượng nhất với người nghe vẫn là những sáng tác về than và biển. Ngoài “Đêm trăng Hạ Long” là các ca khúc “Quảng Ninh quê mình”, “Nghe lời biển hát”, “Từ Hạ Long mơ về Thăng Long”...

Có lần, trò chuyện với báo chí, ông từng tâm sự: “Chính từ nhịp sống sôi động của Vùng mỏ, của ngành sản xuất than và vẻ đẹp của biển, của Vịnh Hạ Long là nguồn cảm hứng vô tận cho tôi sáng tác. Đề tài về biển và than đã xuyên suốt trong các ca khúc, không bao giờ vơi cạn và luôn đam mê cháy bỏng trong tôi”. Thậm chí, ông còn sáng tác ca khúc “Tình yêu biển và than” như một lời tự sự chân tình: Tình yêu tôi hai nửa cuộc đời/ Bên là Than, một bên là Biển/ Nắng gió tầng cao, mưa ướt lò sâu/ Người thợ lò ngày đêm vất vả/ Mơ về em, biển bát ngát xanh màu…

Không chỉ Lê Đăng Vệ mà tình yêu biển và than luôn song hành trong sáng tác của các nhạc sĩ Quảng Ninh. Chẳng thế mà nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm, vốn rất gắn bó với ngành Than, bên cạnh những ca khúc hay về người thợ như "Khúc ngẫu hứng thợ lò", "Khúc cha cha cha người thợ mỏ" vẫn có những ca khúc về Hạ Long với giai điệu, lời ca rất bay bổng, lãng mạn, như: "Hạ Long thu sang", "Giữ mãi Hạ Long xanh", "Khúc quan họ trên Vịnh Hạ Long", "Cung đàn Hạ Long"...

Người Vùng mỏ yêu ca hát, họ yêu những khúc ca viết về mình và hát để tinh thần luôn vui vẻ, để cuộc sống thêm lạc quan. Và cho đến nay, dù tỉnh đã phát triển mạnh mẽ nhiều ngành nghề, nhưng ngành Than vẫn để lại những dấu ấn đậm nét trong đời sống văn hóa tinh thần người Quảng Ninh. Tôi vẫn nhớ, có giai đoạn những đêm hội diễn văn nghệ quần chúng của ngành kéo dài tới 3-5 ngày. Dưới ánh đèn rực sáng, những ca khúc, những điệu múa của chính những người thợ mỏ bỗng thăng hoa, thắp sáng lên biết bao cảm xúc, xiết bao tình yêu người thợ nơi vùng than, bên Hạ Long biếc xanh.

Có lẽ, như một cái duyên mà nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm đã truyền máu văn nghệ cho Công ty Than Hòn Gai nơi ông làm lãnh đạo, để đội văn nghệ quần chúng của Công ty nhiều năm là gương mặt sáng giá trong Hội diễn Nghệ thuật quần chúng của ngành Than. 

Cũng là cái duyên chăng mà người công nhân mỏ rồi sau này là NSND Quang Thọ, dù không còn ở vùng than nhưng ông vẫn gắn bó rất mật thiết với phong trào ca hát ở Quảng Ninh. Ông hát ở nhiều chương trình lớn, nhỏ của Quảng Ninh, ông làm bạn với nhiều nhạc sĩ ở Quảng Ninh, ông đào tạo, dẫn dắt cho nhiều những ca sĩ trẻ ở vùng than, như Hoàng Tùng, Hoàng Thái, Tuấn Anh...

Ông từng chia sẻ trong một đêm nhạc của 2 nhạc sĩ ngành Than là Lê Nguyên Thêm và Lê Chí Phúc rằng: “Anh Thêm, anh Phúc là những người bạn gắn bó với tôi mấy chục năm nay rồi. Cứ mỗi lần hát các ca khúc viết về thợ mỏ của các anh ấy, trong tôi lại trỗi dậy cảm xúc về những năm tháng làm công nhân mỏ của mình”.

Đó là sự ưu ái của nhiều nhạc sĩ dành cho lớp măng non của Quảng Ninh, nhất là trong giai đoạn vùng mỏ còn nhiều gian khó. Có thể kể đến các tác giả Trần Dần, Xuân Tích, Đỗ Hòa An, Xuân Nhật, Đinh Viễn… với nhiều ca khúc là niềm yêu thích của thiếu nhi một thời. Đơn cử như cố nhạc sĩ Trần Dần với tập ca khúc “Đàn sao lên mỏ” (phổ thơ Trần Ngọc Tảo), các ca khúc “Mười mùa hoa nở”, “Biển quê em”; nhạc sĩ Xuân Tích với tập ca khúc “Mùa thu vào nhà” và nhiều ca khúc khác như: “Hòn than”, “Nhớ ơn Bác Hồ”, “Bàn tay cháu”, “Tên than”, “Quả bóng đá”, “Xe cần cẩu”, “Ngày mai em làm cô giáo”…

Nhạc sĩ Đỗ Hoà An cho đến giờ vẫn có thói quen sáng tác ca khúc theo chất giọng riêng của mỗi em nhỏ, nhất là với các học trò của mình. Nhiều ca khúc sáng tác cho thiếu nhi của ông được các em rất yêu thích như: “Thuyền giấy”, “Sao bố, sao con”, “Rối muốn làm người”, “Khúc hát chim sơn ca”, “Chùm quả điện”, “Thả diều vào ngày mai”, “Khát vọng mặt trời,” “Nòng nọc nhớ mẹ”, “Ăng ten”, “Đèn kéo quân”, “Bánh đa”, “Trái đất tò he”...

Có một ca khúc rất đặc biệt, có sức sống suốt hơn nửa thế kỷ qua là ca khúc “Em yêu Đất mỏ quê em” của nhạc sĩ Bùi Đức Huyên. Ca khúc sáng tác năm 1963 gắn với giọng ca thời niên thiếu của cố NSND Lê Dung (cùng với giọng ca của Bích Ngọc), đã được thu thanh và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam khi ấy.

Trò chuyện cùng chúng tôi, nhạc sĩ Bùi Đức Huyên kể chuyện ông về Vùng mỏ khi ấy từ tiếng gọi nhiệt huyết, hoài bão tuổi trẻ. Ông kể: "Tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội và về dạy văn hoá trong quân đội. Ra quân cũng là thời điểm Trung ương Đoàn rất cần cán bộ và hỏi tôi muốn về đâu. Lớp trẻ chúng tôi hồi ấy đọc tiểu thuyết Vùng mỏ của Võ Huy Tâm thích lắm, hoài bão của thanh niên luôn thôi thúc thử thách, khám phá. Vì vậy, tôi không do dự xin về Vùng mỏ…”.

Ca khúc ra đời ngay sau khi ông về Vùng mỏ với những cảm xúc mới mẻ ban đầu đã tác động mạnh mẽ tới ông. Ông bảo: Ngày ấy, đặt chân lên thị xã vùng than đã tạo cho tôi những cái tứ đầu tiên cho ca khúc. Khi từ bến phà đi lên, đi qua chùa Long Tiên là thấy vách núi với lá cờ đỏ tung bay. Thị xã mỏ vắng vẻ, đồi núi trập trùng lại có sự ồn ào của ngành Than đang phát triển, có nhà máy điện, có đường tàu hoả chạy dài trong thị xã với nhịp tàu hối hả… Tất cả cứ tự nhiên bật ra trong suy nghĩ rồi đi vào ca khúc của ông. Cái tứ “mai lớn lên em xuống lò em đào than, em lên tầng em lái máy, em trở thành công nhân…” đến sau cùng. Một mơ ước giản dị trong suy nghĩ bình dị của người nhạc sĩ trẻ, rằng muốn làm gì thì trước hết các cháu hãy là người công nhân, người lao động chân chính đã rồi mới từ đó vươn lên…

 Thực hiện: Phan Hằng

Ảnh: Nhiều tác giả

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu