Những “hậu duệ” của “cậu Trời” thời hiện đại
Đây là một đoạn đối thoại: “Tội mày đã nhiều, nay là ngày mày trả nợ đời. Mày cậy thế làm càn, giết người lấy của, hãm hiếp đàn bà con gái, luật pháp không dung, thần dân đều giận. Ta thể lòng mong mỏi của muôn dân đến đây trừ một mối họa lớn”- “Mày dám giết tao sao? Tao thách đấy” – “Bản chức đến đây chỉ có việc ấy, tội vạ đâu bản chức chịu”. Kiếm sáng vung lên. “Ta là cậu Trời”! “Cậu Trời cũng chém”! (tập 33, tr.957, 958, 964). Tráng sĩ chính là quan Hộ thành Nguyễn Mại ung dung trao kiếm cho viên quan hầu cận, truyền lệnh: “Rửa sạch máu tanh hôi đi” và dõng dạc: “Trói ta lại, dẫn ta ra mắt Chúa thượng”! Và rồi dân chúng kinh thành bừng bừng xuống đường: “Quan Hộ được tha, Vương gia muôn tuổi”! *
Hơn sáu mươi năm trôi qua, giờ đây đọc lại, đối chiếu với Hoàng Lê nhất thống chí, mới thấy cái nét tài hoa của ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng đã làm sống động trở lại diện mạo các nhân vật lịch sử của thời Lê mạt thế kỷ XVIII. Đây là hình ảnh “cậu Trời” dưới ngòi bút của tác giả Hoàng Lê nhất thống chí: “thường ngày, Lân vẫn đem theo vài chục tên tay sai, cầm gươm vác giáo đi nghênh ngang khắp kinh ấp. Hễ gặp xe kiệu, bất kỳ của đám quan quân nào, Lân cũng đều cà khịa đánh nhau làm cho nhục nhã, rồi lấy thế làm thích thú. Gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ người nào trông vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ, rồi lôi người ấy vào hiếp liền... Người thiên hạ sợ Lân hơn sợ beo sói”. Trong tác phẩm văn học cổ, Lân chỉ bị bắt đi đày chứ không bị chém.** (t8, tr.337)
Các “cậu Trời” thời hiện đại không thể là những hung thần có hành vi trời không dung, đất không tha như Đặng Mậu Lân thế kỷ XVIII, nhưng cái cung cách “siêu quậy” như cậu ấm Bùi Đức Hậu khi bị đưa về Phòng CSGT còn đòi “Để ba tôi lên rồi nói chuyện” thì vẫn mang cái dáng dấp của một thứ “cậu Trời” thời hiện đại. Ba tôi đây là ai mà “uy vũ” không khuất phục vậy? Xin thưa là vị Phó bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thủ Thừa, nên cậu mới làm tàng nẹt “pô” khiêu khích công an, tiếp đó hành hung người thi hành công vụ. Cũng vì thế cậu ấm mới đủ “mạnh” để thách thức: “Mai mốt tụi bây ra đường sẽ biết mặt tao!”. Và rồi khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ, anh ta tỉnh bơ: “Bắt cái gì, cùng phe với nhau chớ có xa lạ chi đâu”. Có lẽ không phải vì thế, mong là thế, mà vị thượng tá Trưởng phòng CSGT Long An ký văn bản chuyển hồ sơ vụ việc về Công an huyện Thủ Thừa xử lý.
Chắc là để cho tiện! Và, cũng để cho tiện, khi phóng viên đến Huyện ủy Thủ Thừa xin gặp bố “cậu ấm” Hậu, thì cán bộ văn phòng kiên quyết ngăn. Một vị cán bộ tổ chức Huyện ủy đề nghị báo chí đừng đăng thêm việc này mà hãy để địa phương xử lý. Chắc cũng là để cho tiện!
Và các phóng viên báo chí thì đã từng chứng kiến vụ cậu ấm “siêu quậy” khác rút kiếm để trong cốp xe định hành hung an ninh sân bay Đà Nẵng dạo nào nhưng lại được một vị có trách nhiệm không muốn gọi kiếm là kiếm vì nó không có nhãn mác! Cái logic này rất chi là trùng khớp với lập luận “do mở cốp xe để sắp xếp lại đồ đạc, trong đó có cây kiếm, vô tình rơi ra chứ không có ý định gì”, cũng lại rất khớp với sự băn khoăn của một vị quan chức biện hộ cho “cậu ấm” đã từng nổ súng trong một quán karaoke ở Bình Dương trước đó từ lâu rằng: “đây là súng cướp cò. Tuy nhiên không rõ súng do đương sự tự trang bị hay đơn vị trang bị để phục vụ công tác!”. Thế là cái “lá chắn” đã hiện nguyên hình để che chắn cho thanh kiếm của cậu ấm siêu quậy kia.
Không có những “lá chắn” được giăng ra, chắc sẽ không có những hành vi “siêu quậy” của các cậu ấm. Mà nói cho công bằng thì, các hành vi siêu quậy kia, thật ra, chẳng thấm vào đâu với hành vi tội ác của “cậu Trời” thời Chúa Trịnh Sâm. Đương nhiên, bao nhiêu máu đã đổ ra để xóa bỏ những nỗi tủi nhục ê chề của một thời quần chúng nhân dân đóng vai trò là vật lót đường cho các cuộc tranh bá đồ vương. Một nhà nước của dân, do dân và vì dân đã được xây dựng, trong đó những quan chức lớn hay nhỏ đều là công bộc của dân, xác lập một quan hệ mới về chất giữa người cầm quyền với nhân dân, làm sao lại có chuyện “cậu Trời” được!
Khi vì một câu chửi thề về đường xấu mà người dân bị mời lên công an xã làm kiểm điểm, rồi sau một tháng lại bị mời đến để nghiêm phạt một trăm ngàn đồng như ở thành phố Cà Mau dạo nào, thì những hành vi siêu quậy của các cậu ấm con quan vừa kể ra lại có nguy cơ được che chắn cho qua, sẽ là những chất axít gậm nhấm làm mọt ruỗng bộ máy Nhà nước.
Chẳng lẽ thời hiện đại lại cần gọi dậy những bản lĩnh tráng sĩ như quan Hộ thành Nguyễn Mại dám vì phép nước mà hành động bất chấp hiểm nguy sao ?
Trong đời sống thường nhật, vốn không thiếu những bản lĩnh như vậy! Vấn đề là biết nhân rộng nó ra. Và cùng với việc đó, phải cổ vũ báo chí lên tiếng kịp thời nêu gương họ và do vậy mà không chịu để cho những vụ việc mang dáng dấp hậu dụê “cậu Trời” thời hiện đại bị chìm xuống. Và cũng đương nhiên, quần chúng nhân dân thời hiện đại sẽ không có lời xưng tụng “quan Hộ được tha, vương gia muôn tuổi”, họ có cách biểu thị thái độ thông minh và đàng hoàng hơn nhiều. Họ dùng báo chí, “tấm gương tinh thần, trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình” như C.Mác đã khuyến cáo.
Ý kiến ()