Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Uông Bí (nay là Đại học Hạ Long) năm 1995, Hồ Đức Hải tình nguyện lên Đồng Sơn nhận công tác. Đồng Sơn thời điểm ấy đường đi lối lại rất khó khăn, các khe bản bị chia cắt bởi nhiều sông, suối; dân cư thưa thớt. Nhận thức của người dân chưa cao nên tỷ lệ học sinh ra lớp đúng độ tuổi rất thấp. Suốt nhiều năm liền, thầy Hải cùng các giáo viên phải bỏ nhiều công sức đến từng nhà tuyên truyền, vận động các em đến trường. Không chỉ vậy, các điểm trường lúc này cũng chỉ là những ngôi nhà tạm dột nát, thậm chí có lớp được lợp bằng mái tranh. Ngày nắng ráo thì không sao, ngày mưa, cả thầy trò đều ướt.Ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, ngày ngày vẫn có những giáo viên thầm lặng hy sinh một phần hạnh phúc riêng để đem con chữ đến với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Một trong số đó là thầy giáo Hồ Đức Hải, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ. Hơn 20 năm gắn bó với vùng núi cao này, anh đã là một phần của núi rừng nơi đây, là tấm gương sáng vì sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa.
Nhớ lại những tháng ngày đầy gian khổ đó, thầy Hải tâm sự: “Mỗi lần đến nhà học sinh vận động các em đến lớp, chúng tôi đều phải đi bộ mất nửa ngày mới đến nơi, có khi trèo đèo, lội suối vào được đến nhà đã chiều muộn mà phụ huynh đi vắng. Mặc dù ban đầu rất khó khăn, song chúng tôi kiên trì đến nhà chia sẻ, chuyện trò với người dân nên họ cũng nghe ra. Giờ đây, cứ đến tuổi là trẻ em ở trên này đều được bố mẹ cho đến trường học chữ”.
Năm 2004, thầy Hải được chuyển về công tác gần nhà, ở Trường Tiểu học Thống Nhất. Tuy nhiên, gắn bó nhiều năm với Đồng Sơn, người thầy vẫn đau đáu trong lòng nhiều nỗi lo về sự nghiệp dạy và học ở vùng cao này. Năm 2006, anh tự nguyện xin quay lại vùng đất mà anh đã gắn bó hơn chục năm trời để tiếp tục công việc “ươm tạo những mầm xanh tương lai”. Triển khai Đề án 25 của ngành Giáo dục ở Đồng Sơn, thầy Hải đã cùng các cán bộ, giáo viên nhà trường làm tốt công tác dân vận, vận động phụ huynh và học sinh để tạo sự đồng thuận, nhất trí dồn ghép các lớp, điểm trường về trung tâm để học.
Sau hơn 20 năm công tác tại vùng sâu, vùng xa, có lẽ nhiều người tìm cách để xin về gần hơn với gia đình, song thầy Hải vẫn miệt mài “gieo” từng con chữ ở vùng cao còn nhiều khó khăn này. Thầy bảo: “Về gần nhà thì ai cũng muốn. Thế nhưng, nơi đây giờ đã gần gũi như nhà tôi vậy, bà con, học sinh Đồng Sơn thương tôi lắm. Trước mắt, tôi vẫn muốn tiếp tục gắn bó với nơi này, làm được chút gì cho tương lai các em thì tôi sẽ làm…”.
Luôn tận tụy với công việc, hết mình với người bệnh, nhiệt tình với đồng nghiệp, bác sĩ Trần Quang Định, Phó Trưởng Khoa Tim mạch và phụ trách Khoa Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã trở thành tấm gương điển hình về làm theo lời Bác Hồ dạy gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Sinh ra và lớn lên tại thành phố mỏ Cẩm Phả, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hải Phòng, bác sĩ Trần Quang Định về công tác tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong quá trình công tác tại Khoa, nhận thấy khám, điều trị tim mạch đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người bệnh trong khi đó nguồn nhân lực trong lĩnh vực tim mạch của Bệnh viện vẫn còn thiếu và yếu, anh đã được ban giám đốc tạo điều kiện cho đi học cao học về chuyên ngành tim mạch; học 1 khóa can thiệp tim mạch ở Bệnh viện Bạch Mai và 1 khóa về can thiệp động mạch vành, can thiệp mạch ngoại biên ở Pháp. Là một bác sĩ trẻ đầy nhiệt huyết và yêu nghề, ngay từ những ngày đầu mới vào nghề, anh đã say mê tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức của những đồng nghiệp đi trước, đồng thời đầu tư thời gian tham gia các khóa đào tạo để nâng cao tay nghề. Nhờ đó, năm 2014, anh được bổ nhiệm Phó Khoa Nội tim mạch và phụ trách Khoa Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch từ năm 2016.
Những năm qua, anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khám, quản lý bệnh nhân ngoại trú; cấp cứu, điều trị các bệnh về chuyên ngành tim mạch; thực hiện thành công nhiều ca cấp cứu bệnh nặng, như: Nhồi máu cơ tim cấp, lóc tách động mạch chủ, tai biến mạch máu não… Nhiều kỹ thuật mới cũng đã được anh triển khai và duy trì hoạt động tốt tại khoa, như: Đặt máy tạo nhịp cấp cứu ngoài lồng ngực, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, chụp và đặt stent mạch vành, chụp và đặt stent mạch chi, mạch cảnh, chụp động mạch thận. Đồng thời, phối hợp với bác sĩ tuyến trên thực hiện nhiều kỹ thuật khó, như: Phẫu thuật nối đoạn động mạch chủ bụng cho bệnh nhân lóc tách động mạch chủ, lột bỏ tĩnh mạch cho bệnh nhân suy tĩnh mạch, phẫu thuật tim hở, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả khám, điều trị các bệnh lý tim mạch cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, nâng cao uy tín, thương hiệu của bệnh viện nói riêng và ngành Y tế của tỉnh nói chung.
Cá nhân anh đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học được đưa vào áp dụng trong việc khám, chữa bệnh, như: Cải tiến kỹ thuật chọc dịch màng tim bằng sheath và dẫn lưu dịch màng tim bằng sonde pigtail; ứng dụng điều trị triệt đốt các rối loạn nhịp tim qua đường ống thông bằng sóng có năng lượng tần số radio…
Với chuyên môn vững vàng, bác sĩ Trần Quang Định hiện là bác sĩ trẻ đầu ngành về lĩnh vực tim mạch ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Nhiều năm liên tục bác sĩ Định đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được UBND tỉnh, ngành Y tế tặng bằng khen.
“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Lời dạy của Bác cũng chính là điều mà chị Đào Thu Trang (SN 1991) luôn tự nhủ trong quá trình đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đông Hà (xã Tân Lập, huyện Đầm Hà). Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, tinh thần trách nhiệm trong công việc, chị đã góp phần "thổi lửa" cho các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh; nhận được tín nhiệm của bà con.
Chị Trang tâm sự: "Quả thực trong thời gian đầu nhận nhiệm vụ, tôi không thể tránh khỏi những lo lắng, áp lực nhất định. Phần vì chưa có kinh nghiệm nhiều trên cương vị lãnh đạo chi bộ, lãnh đạo một tập thể thôn, phần vì tiếng nói của mình chưa có được sức thuyết phục, chưa tạo được niềm tin trong cộng đồng dân cư. Thế rồi khi nhận được lời động viên của mọi người trong chi bộ và sự nỗ lực hết mình, phát huy thế mạnh của tuổi trẻ, tôi đã tự tin, hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Một cách làm hiệu quả mà chị Trang luôn áp dụng, đó là luôn phải tổ chức tốt khâu dân chủ ở cơ sở, đưa mọi chủ trương, đường lối đến với người dân. Trong đó, người cán bộ, đảng viên phải luôn nói được, làm được để bà con nhìn thấy, thấu hiểu, tin tưởng rồi mới nghe và làm theo.
Trong mọi công việc chung của thôn từ công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường ngõ xóm cho tới việc tăng gia sản xuất, xóa đói, giảm nghèo… chị thường xuyên gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đảng viên và người dân để khéo léo tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận. Điển hình như việc các hộ dân trong thôn cùng chung nhau hiến 1.000m2 đất để làm địa điểm xây nhà văn hóa chung; góp công, góp của để dựng cổng chào thôn; các dòng họ trên địa bàn ký cam kết không có người phạm tội, mắc tệ nạn ma tuý, tích cực tham gia giữ gìn ANTT thôn, xóm...
Đời sống của bà con thôn Đông Hà ngày càng ổn định, diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc, kết quả này có một phần công sức của nữ Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn trẻ đầy nhiệt huyết.
Ở khu phố 1 (phường Ka Long, TP Móng Cái), bà Lê Thị Quế Lâm (SN 1954) được bà con lối xóm gọi với cái tên trìu mến “Cây tuyên truyền viên của khu phố”. Gần 9 năm làm Trưởng Ban Công tác mặt trận, bà Lâm luôn tận tuỵ, hết lòng vì công việc, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua và là một tuyên truyền viên tích cực ở cơ sở.
Kể về công việc của mình, bà tâm sự: Ở khu phố chúng tôi có đặc thù là nhiều nhà trọ cho người lao động thuê ở. Họ là dân tứ xứ về ở tạm để làm công việc phụ bốc vác, vận chuyển hàng hóa khu vực chợ đầu mối, cửa khẩu. Người ở lâu thì từ 1 đến vài năm, người ở ngắn thì có khi chỉ vài tháng rồi lại chuyển. Vì thế, trong công tác tuyên truyền, vận động của mặt trận, chúng tôi luôn chú trọng quán triệt tới bà con cùng nâng cao ý thức giữ gìn ANTT. Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, họp khu dân cư, chúng tôi luôn lồng ghép các nội dung về khích lệ cán bộ, nhân dân đấu tranh phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, gắn với các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng khu phố an toàn không có tội phạm và tệ nạn xã hội; tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, văn hoá, văn nghệ... Hiện khu phố đã xây dựng mô hình nhân dân tự quản về ATGT, ANTT, vệ sinh môi trường ngõ xóm, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi… duy trì hoạt động rất hiệu quả, phát huy vai trò của bà con chủ động tham gia thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" ở địa phương.
Suốt nhiều năm làm công tác mặt trận tại khu phố, bà Lâm luôn tâm niệm cách thức truyền miệng là phương tiện hiệu quả nhất để đảm bảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Vì thế, dù là trong tập thể chi bộ khu phố hay hoạt động của ban công tác mặt trận, chi hội, đoàn thể ở cơ sở, bà và cán bộ khu đều tích cực chủ động đến từng hộ, một lần không được thì đến lần hai, lần ba để vận động, thuyết phục. Bên cạnh đó, với tác phong gần gũi, cởi mở, cách làm việc "thấu tình, đạt lý”, bà Lâm và Ban Công tác Mặt trận khu phố 1 luôn hoàn thành tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Từ những vụ việc mâu thuẫn đất đai, cho đến những bất hoà, khi có gia đình trong cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, bà đều được bà con tín nhiệm, nhờ lời nói uy tín, công bằng, khéo léo của mình để kịp thời hóa giải những mâu thuẫn. “Mình cứ nhiệt tình, tâm huyết với công việc thì dần sẽ tạo được uy tín, cùng với cách nói hợp lý, hợp tình thì hiệu quả tuyên truyền mới cao” - bà nói.
Suốt nhiều năm công tác tại Công ty CP Du lịch và Dịch vụ Móng Cái, bà Lâm đã có thành tích 10 năm liên tục là chiến sĩ thi đua cấp thành phố, 2 lần là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Về công tác tại khu phố từ năm 2010 đến nay, bà 3 lần được nhận bằng khen của Ủy ban MTTQ tỉnh, 1 lần nhận bằng khen biểu dương toàn quốc của Trung ương MTTQ Việt Nam. Nhưng với bà, thành tích quan trọng nhất là khi có được sự tín nhiệm, yêu mến của bà con lối xóm; tập thể khu phố luôn đoàn kết, vững mạnh.
Lê Thế Duyệt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Ngân hàng máu sống tỉnh Quảng Ninh, được mọi người biết đến, khâm phục bởi anh luôn tham gia nhiệt tình, tâm huyết với các phong trào hiến máu tình nguyện, thiện nguyện vì cuộc sống cộng đồng.
Ngay từ nhỏ, không may bị tai nạn nên Duyệt đã gặp khó khăn trong nghe và giao tiếp (bị khiếm thính), tuy nhiên, bằng nghị lực của mình anh đã bỏ qua mặc cảm, mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống khiến ai cũng phải nể phục. Hiện tại, Duyệt là Chủ nhiệm CLB Ngân hàng máu sống tỉnh Quảng Ninh, Trưởng nhóm hiến tiểu cầu Quảng Ninh và là Ủy viên BCH Đoàn Thanh niên phường Đại Yên (TP Hạ Long).
Anh Duyệt chia sẻ: “Lần đầu tiên mình đi hiến máu vào năm 2015 cho một bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày, sau lần đó, mình đã nhen nhóm ý tưởng thành lập CLB ngân hàng máu sống. Lúc đầu CLB được thành lập chỉ với 5 thành viên chính thức, hoạt động gặp khó khăn do nhiều người chưa hiểu được ý nghĩa cũng như tác dụng của việc hiến máu. Nhưng với phương châm “Không sợ khổ, không sợ khó, đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, trải qua 3 năm hoạt động, đến nay tổng số thành viên chính thức của CLB đã tăng lên 100 và trên 200 cộng tác viên. Vào dịp tháng 3/2017, mình cũng mạnh dạn thành lập Đội hiến tiểu cầu tỉnh Quảng Ninh với 40 thành viên, từ đó đến nay hiến được hơn 200 đơn vị tiểu cầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh”.
Là thanh niên tiêu biểu, hoạt động hết mình, anh Duyệt được mọi người trong CLB đánh giá cao bởi tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong hoạt động. Trong phong trào hiến máu nhân đạo, hiến máu khẩn cấp anh đã kêu gọi, vận động các thành viên trong CLB hiến trên 1.000 đơn vị máu; thường xuyên tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về việc hiến máu nhân đạo và ý nghĩa cao đẹp của hiến máu; thực hiện hỗ trợ công tác tiếp nhận máu, chăm sóc người hiến máu trong các chương trình lớn của tỉnh, như: Ngày Chủ nhật đỏ, Giọt máu hồng hè... Tới nay, bản thân Duyệt đã 9 lần hiến máu nhân đạo, trong đó 6 lần hiến trực tiếp cho người bệnh.
Không chỉ là một thủ lĩnh trong phong trào hiến máu, Duyệt còn là một thanh niên năng nổ, nhiệt tình trong công tác kêu gọi thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Duyệt đã vận động được gần 3.000 suất quà bao gồm chăn, áo ấm, sách vở... cho học sinh, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; tham gia các hoạt động hỗ trợ nhân dân bị lũ lụt với số tiền 50 triệu đồng cùng 1 tấn gạo... Gần đây nhất, hướng về đồng bào vùng lũ Tây Bắc, Duyệt đã kêu gọi các nhà hảo tâm, thành viên CLB quyên góp quần áo, sách vở, khăn mặt, mì tôm... cùng trên 70 triệu đồng tiền mặt lên hỗ trợ cho 28 hộ dân bị mất nhà cửa tại bản Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Với những thành tích của mình, Lê Thế Duyệt đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh khen tặng, biểu dương; được tôn vinh là 100 người hiến máu, tiểu cầu toàn quốc năm 2017. Đặc biệt, anh được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2017.
Đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2017, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh và thực hiện cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ", danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" năm 2018 - Đó là những thành tích mà Đại úy Lê Duy Kỳ (SN 1986), Trợ lý thanh niên, Bộ CHQS tỉnh, đạt được trong thời gian qua.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, ngay từ khi còn nhỏ, Đại úy Lê Duy Kỳ đã ước mơ trở thành người chiến sĩ đứng trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân I, anh về công tác tại Trung đoàn 43, Sư đoàn 395 đóng tại huyện Hải Hà. Tháng 4/2013, anh về công tác tại Ban CHQS huyện Đầm Hà với cương vị Trợ lý tác huấn kiêm Bí thư Chi đoàn Quân sự. Tới tháng 10/2016, anh chuyển về Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh, nhận nhiệm vụ Trợ lý thanh niên. Đến nay, trên cương vị của mình, Đại úy Lê Duy Kỳ luôn tích cực nghiên cứu, học tập, chủ động tham mưu đúng, trúng, hiệu quả các phong trào thanh niên cũng như nhiệm vụ chung của đơn vị, như: “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Thanh niên quân đội thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”...
Với cương vị Trợ lý thanh niên, anh đã xây dựng kế hoạch, triển khai đến đoàn viên trong đơn vị, cơ sở với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, anh đã có nhiều giải pháp tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh, bổ ích, góp phần đưa việc rèn luyện đoàn viên, thanh niên trong đơn vị đi vào chiều sâu, gắn bó với cộng đồng. Cùng với đó, công tác xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động thiện nguyện cũng luôn được Đại úy Lê Duy Kỳ quan tâm, thực hiện có hiệu quả, như: Tổ chức phong trào “Tuổi trẻ với mùa xuân biên giới”; thăm, tặng 60 suất quà trị giá 18 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó tại Trường THCS Vĩnh Trung, Vĩnh Thực (TP Móng Cái); tổ chức khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho trên 700 lượt người dân, tặng 15 suất quà trị giá 15 triệu đồng cho người dân xã Hạ Long (huyện Vân Đồn); trực tiếp tham mưu cho Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn xây dựng kế hoạch “Học hè trong quân đội”; tổ chức tọa đàm “Sĩ quan trẻ - Nêu gương, tình thương, kỷ cương, trách nhiệm” tạo sức lan tỏa trong đơn vị...
Đại úy Lê Duy Kỳ cho biết: “Bản thân tôi luôn tâm niệm Bác Hồ là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Là sĩ quan quân đội, tôi luôn khắc ghi lời dạy của Bác, nỗ lực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tôi luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong công tác đoàn, phong trào thanh niên, góp phần vào xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện”.
“Cuối năm 2016, tôi về thực tập tại Phân xưởng Khai thác 7, Công ty Than Quang Hanh - TKV. Lúc mới đầu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng được các anh trong phân xưởng, đặc biệt là sự kèm cặp trực tiếp của anh Tuấn, tôi đã trưởng thành rất nhiều. Biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, anh Tuấn đã động viên cả về tinh thần và vật chất, khiến tôi rất xúc động” - thợ mỏ 3/7 Nguyễn Trọng Vinh, Công ty CP Than Khánh Hòa, tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ với chúng tôi như vậy khi nói về anh Đặng Văn Tuấn, ca trưởng cơ điện, Phân xưởng Khai thác 7, Công ty Than Quang Hanh.
Người ta gọi thợ mỏ là nghề “ăn dương gian, làm âm phủ” để nói về nỗi vất vả, cực nhọc mà người thợ lò phải trải qua. Nhưng sau mỗi giờ tan ca, trở về từ lòng đất, những người thợ lò vẫn rạng rỡ nụ cười, toát lên tinh thần vui vẻ, yêu nghề. Với anh Tuấn cũng vậy, khuôn mặt, nụ cười, ánh mắt đều toát lên sự lạc quan, đầy nhiệt huyết.
22 tuổi, từ phường Phong Hải, TX Quảng Yên, anh Tuấn ra Cẩm Phả, xin vào làm việc tại Công ty Than Quang Hanh. Với 10 năm gắn bó, thời gian chưa phải là dài nhưng cũng đủ để anh Tuấn có những bước trưởng thành đáng kể. Phó Quản đốc cơ điện, Công ty Than Quang Hanh Lương Ngọc Hợp cho biết: “Tuấn là thanh niên trẻ nhiệt tình, xuất sắc của phân xưởng, đồng thời là tổ trưởng mẫu mực trong công việc được cấp trên tin tưởng, cấp dưới tin yêu. Trong công việc, những việc khó, chủ chốt của phân xưởng đều có mặt Tuấn tham gia giải quyết. Đặc biệt, Tuấn cũng đề xuất nhiều sáng kiến giúp giảm chi phí, làm lợi cho Công ty”. Có thể kể đến như sáng kiến trong lắp đặt 3 tời kéo vật liệu phục vụ kéo chuyển vật tư, vật liệu, thiết bị phục vụ khấu than lò chợ khu nam 7.5. Sáng kiến này đã giúp giảm sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất đáng kể vì bình thường người lao động phải vận chuyển thủ công vật tư, vật liệu trên quãng đường 400m vào lò chợ. Ngoài ra, Tuấn còn đề xuất lắp đặt, cải tạo các thiết bị bảo vệ quá tải, mất pha cho các thiết bị động cơ điện phân xưởng quản lý, giúp tăng tuổi thọ thiết bị, giảm tối đa các sự cố động cơ bị cháy hỏng…
Không chỉ là một ca trưởng mẫu mực trong công việc, anh Tuấn rất hòa đồng, nhiệt tình trong các hoạt động của đoàn thanh niên, phong trào thiện nguyện. Trận mưa lụt lịch sử năm 2015, anh Tuấn cùng các đoàn viên khác không quản khó ứng trực tại xã Dương Huy, TP Cẩm Phả, trong thời gian 3 tháng liên tục. Trong thời gian này, anh còn nhiệt tình tham gia vận chuyển vật tư, lắp đặt, khắc phục thiết bị; giúp người dân dọn dẹp nhà cửa, nạo vét bùn đất...
Với những thành tích của mình, 6 năm liên tiếp (2012-2017) Tuấn đều đạt chiến sĩ thi đua cấp Công ty; năm 2016 đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp TKV; năm 2017 đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua của Bộ Công Thương.
Cô bé Nguyễn Hoàng Yến, Liên đội trưởng Trường THCS Nguyễn Du, phường Đông Triều, TX Đông Triều, không chỉ gương mẫu, học giỏi, mà còn là gương mặt nhí tài năng tích cực tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của thị xã, tỉnh. Hoàng Yến còn đặc biệt ở chỗ em là “hòa giải viên” rất giỏi của lớp.
Với dáng người nhỏ bé, khuôn mặt tươi tắn, chắc hẳn ai cũng cảm thấy yêu mến khi gặp gỡ, tiếp xúc với Hoàng Yến. Cô Nguyễn Hương Giang, giáo viên chủ nhiệm lớp 9D3, Trường THCS Nguyễn Du, cho biết: “Đôi lúc vẫn có trường hợp các bạn chơi nhóm với nhau, có những bất đồng, không tiện chia sẻ với cô giáo. Nhưng Hoàng Yến là một “kênh hòa giải", chia sẻ mà các bạn tìm đến tâm sự. Ở em dường như có một sự tín nhiệm vô hình nào đó. Để giải quyết mâu thuẫn, Hoàng Yến cũng trao đổi lại với cô giáo để cùng tìm cách "hóa giải" các vấn đề một cách tốt nhất. Từ phân tích, nhận định đưa ra lời thuyết phục, khuyên bảo các bạn hợp tình, hợp lý, tăng mối đoàn kết trong lớp học nên được các bạn tin yêu, xây dựng tập thể lớp luôn vững mạnh, đoàn kết”.
Mặc dù bận rộn với các hoạt động Đội ở trường, nhưng Hoàng Yến luôn biết sắp xếp thời gian học tập tốt nhất. Trong học tập, em luôn cố gắng học tốt các môn, ham học hỏi, tích cực trao đổi. Trong hoạt động ngoại khóa, em cũng bộc lộ nhiều tài năng khác như: Hát, múa, làm MC của trường, lớp. Nhìn vào bảng thành tích học tập của Yến thật đáng nể. 8 năm liên tiếp Yến là học sinh giỏi; giải A họa mi vàng cấp thị xã trong các năm 2013, 2015, 2017; tài năng trẻ thị xã năm 2016; giải ba chỉ huy đội giỏi cấp thị xã năm 2016; giải A họa mi vàng cấp tỉnh năm 2015, 2017; giải nhì cuộc thi “Vẻ đẹp đội viên”; giải khuyến khích cuộc thi “Người giới thiệu hay nhất về Đông Triều” năm 2018; giải ba học sinh giỏi cấp thị xã năm 2018… Hoàng Yến chính là tấm gương tốt để nhiều bạn nhỏ học tập và noi theo.
Bài, ảnh: Minh Đức - Hoàng Giang - Ngô Dịu - Thanh Hoa
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()