20
18
/
1100234
Những chuyến xe chạy đua với “tử thần”
longform
Những chuyến xe chạy đua với “tử thần”

Hơn 2 tháng với hàng ngàn bệnh nhân điều trị, rất nhiều người, rất nhiều kỷ niệm trong cuộc chiến chống lại kẻ thù Covid-19 tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh đã đi vào ký ức của những y, bác sĩ tình nguyện Quảng Ninh. Trong đó, những chuyến xe cấp cứu – những chuyến xe chạy đua với “tử thần”, đã mở ra cơ hội sống cho bệnh nhân sẽ mãi không thể quên trong tâm trí họ. 

Là Phó Khoa hồi sức cấp cứu, với kinh nghiệm nhiều năm và chuyên môn vững vàng, bác sĩ Trương Văn Thế (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) được phân công làm Trưởng nhóm cấp cứu, nơi trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân có biểu hiện bệnh nặng hơn tại Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Hồ Chí Minh).

Theo phân tầng điều trị, bệnh viện dã chiến chỉ là nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ và không có đủ máy móc, phương tiện để chữa trị bệnh nhân nặng và rất nặng. Thế nên, mỗi khi có bệnh nhân trở nặng, nhóm cấp cứu phải nhanh chóng đưa lên tuyến trên để kịp thời điều trị.

“Cái khó nhất với chúng tôi là phải xác định được chính xác tình trạng và nguy cơ của bệnh nhân, làm sao để chuyển bệnh nhân đúng thời điểm; nếu trễ, cơ hội sống của bệnh nhân sẽ rất thấp. Ngược lại, nếu chuyển sớm sẽ gia tăng áp lực cho các bệnh viện ở tầng trên, vốn đã thiếu giường. Do đó, để đưa ra được quyết định cuối cùng, chúng tôi phải hội chẩn kĩ lưỡng” - Bác sĩ Trương Văn Thế chia sẻ.

Ở bệnh viện dã chiến, nhiều bệnh nhân diễn biến bệnh nặng rất nhanh… Vừa trước đó tỉnh táo cười nói với y, bác sĩ mà chỉ 1-2 tiếng sau đã có thể chuyển nặng, hôn mê. Trong tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn, các bác sĩ sẽ phải quyết định rất nhanh việc đưa bệnh nhân lên tuyến trên bất kể ngày hay đêm.

“Có bệnh nhân diễn tiến bệnh hết sức đột ngột. Vừa bàn giao ca vẫn ổn định, ngay sau đó, chỉ số SPO2 của bệnh nhân giảm xuống rất nhanh. Ngay lập tức, nhóm trực đã phải tăng hàm lượng oxy thở cho bệnh nhân, đặt ống nội khí quản xong, đảm bảo bệnh nhân được an thần, ổn định mới chuyển xe cấp cứu lên bệnh viện tuyến trên. Với những bệnh nhân như thế, chúng tôi phải thống nhất chuyển viện rất nhanh, không để xảy ra sai sót” – Bác sĩ Thế cho biết.

Đưa ra được quyết định chuyển viện cho bệnh nhân đã khó, tìm được bệnh viện để chuyển tới càng không đơn giản chút nào. Thời điểm tháng 8, Sài Gòn đang ở những ngày “ốm” nặng nhất, bệnh viện tuyến trên dành cho bệnh nhân nặng hầu như đều quá tải. Để tìm được điểm đến cho bệnh nhân, bộ phận Kế hoạch Tổng hợp và các điều dưỡng phải trực tiếp liên hệ qua các group Zalo, gọi điện...

“Có những ca bệnh cần chuyển viện mà chúng tôi phải tìm bệnh viện tuyến trên trong hơn 6 tiếng đồng hồ. Quá trình chờ đợi thời gian dường như quá dài! Tìm đến bệnh viện thứ 4 rồi mà vẫn chỉ nhận được thông tin đều hết giường… Lo lắng cho bệnh nhân nhưng chúng tôi động viên nhau không được nản. Cuối cùng công sức cũng được đền đáp” – Điều dưỡng Lê Đức Tuấn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, kể lại.

Không thể chậm trễ, tất cả y, bác sĩ của ca trực nhanh chóng chuẩn bị máy móc, gọi xe sẵn sàng để chuyển viện. Những chuyến xe cấp cứu trong đêm, nhất là vào mùa này khi trời Sài Gòn thường mưa bất chợt, càng thêm vất vả. Nhưng dường như không có gì cản được họ. Xe lăn bánh, tiếng còi cấp cứu hú liên hồi. “Xe cấp cứu thường đi với vận tốc nhanh, như một cuộc chạy đua với “tử thần”, băng qua các tuyến đường mà ngày trước đến đây chưa bao giờ chúng tôi di chuyển được với vận tốc này. Bởi lẽ chúng tôi không muốn chậm thêm bất cứ một phút nào… Càng đến viện sớm, nguy cơ xấu đối với bệnh nhân sẽ càng giảm thiểu” – Điều dưỡng Phạm Văn Võ, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh chia sẻ.

Quãng đường tới bệnh viện càng dài, sự lo lắng, căng thẳng của những y, bác sĩ trực tiếp trên chuyến xe càng tăng thêm gấp bội. Với những ca bệnh còn tỉnh táo, trực tiếp các y, bác sĩ phải động viên tinh thần bệnh nhân. Còn với những ca bệnh nặng đã đặt nội khí quản, công việc của các y, bác sĩ càng áp lực hơn nhiều lần. Trên xe không có máy thở, y, bác sĩ phải thay nhau bóp bóng đảm bảo duy trì đường thở cho bệnh nhân, thường xuyên kiểm tra các chỉ số sinh tồn của người bệnh. Mệt mỏi nhưng tất cả họ đều cố gắng vì sự sống của bệnh nhân.

Ở bệnh viện hồi sức, cấp cứu nơi họ đến, chuyến chuyển viện nào cũng phải xếp hàng chờ đợi. Hàng dài các ca cấp cứu khác nối đuôi nhau mong tới lượt được vào giường bệnh. “Chúng tôi hiểu rằng, những lúc thế này mình chính là chỗ dựa cho người bệnh, nên càng phải kiên trì. Khi nào bàn giao xong bệnh nhân, chúng tôi mới yên tâm trở về” - Điều dưỡng Võ cho hay.

Gần 3 tháng trôi qua kể từ khi đoàn thầy thuốc tỉnh Quảng Ninh tình nguyện vào làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 12, đã có hơn 40 chuyến xe chuyển viện như thế được các y, bác sĩ cấp cứu trực tiếp đảm nhiệm. Mỗi một chuyến xe là một thử thách với các y, bác sĩ cả về trình độ chuyên môn, tâm lý, sức khỏe… nhưng cũng mở ra cơ hội sống phía trước cho biết bao người bệnh.

Ở nơi tâm dịch, những chiến binh áo trắng vẫn luôn giữ vững niềm tin, sẽ có ngày Sài Gòn “khoẻ” lại, bởi họ đến đây để góp phần biến điều đó thành hiện thực!


Những ngày đầu ở tâm dịch
Giữa cái nắng tháng 7 của miền Bắc như đổ lửa, chia xa gia đình, đồng nghiệp, Đoàn y tế Quảng Ninh với hơn 70 y, bác sĩ đã lên đường, xông pha vào các bệnh viện dã chiến, vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh để tham gia cứu chữa cho các bệnh nhân Covid-19…
   
"Cuộc chiến" ở khu cấp cứu
Cuộc chiến giành giật sự sống đã trở nên quá căng thẳng trong tâm dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, nhất là ở những khu cấp cứu. Giữa lằn ranh sống - chết mong manh ấy, những chiến sĩ áo trắng chính là những người nỗ lực đến cùng, giữ từng nhịp thở, giữ lại mạng sống cho người bệnh.
   
Chúng tôi đã thành F0
Trong cuộc chiến chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lực lượng y tế đã phải chịu tổn thất nặng nề khi có đến gần 1.000 cán bộ, nhân viên y tế bị phơi nhiễm Covid-19 trong khi làm nhiệm vụ. Trong số đó, có những y bác sĩ, điều dưỡng của Quảng Ninh tham gia chống dịch ở thành phố mang tên Bác.
   
Nơi yêu thương gửi về
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Đoàn y tế tình nguyện của Quảng Ninh không hề cô đơn mà có sự đồng hành, sự ủng hộ của tỉnh và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
   
"Lỡ hẹn" với quê hương để ở lại tuyến đầu
Trong gần 3 tháng qua, hơn 70 cán bộ, nhân viên y tế của Quảng Ninh đã kề vai, sát cánh cùng lực lượng y tế của TP Hồ Chí Minh và các đoàn tình nguyện từ các tỉnh, thành trong cả nước chiến đấu với đại dịch Covid-19 tại đây.
   

Thực hiện: Ngọc Linh

Ảnh: Thế Thiêm

Kỹ thuật đồ họa: Hùng Sơn