20
18
/
1100242
"Lỡ hẹn" với quê hương để ở lại tuyến đầu
longform
"Lỡ hẹn" với quê hương để ở lại tuyến đầu

My default image

Trong gần 3 tháng qua, hơn 70 cán bộ, nhân viên y tế của Quảng Ninh đã kề vai, sát cánh cùng lực lượng y tế của TP Hồ Chí Minh và các đoàn tình nguyện từ các tỉnh, thành trong cả nước chiến đấu với đại dịch Covid-19 tại đây. Họ đã và đang vượt qua những khó khăn, thách thức, nỗ lực, quyết tâm để thực hiện tốt sứ mệnh và trọng trách của người thầy thuốc vì sinh mạng của người bệnh, vì sức khoẻ của người dân.

“Ngày 10/8 tôi, con và mẹ tôi đều trở thành F0 được điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12 quận Thủ Đức.

Qua bao ngày vất vả, mệt mỏi chống đỡ bệnh tật, tôi vô cùng cảm ơn Đoàn y tế Quảng Ninh luôn bên cạnh đồng hành, sẻ chia. Hôm nay, 21/8/2021, tôi là một trong hơn 60 người điều trị tại BV dã chiến số 12 được ra viện. Tôi kính chúc mọi người ở lại làm việc luôn có sức khoẻ tốt. Tôi sẽ thực hiện đúng 5K góp phần đẩy lùi dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước Việt Nam ta nói chung.

Riêng chị Ngà, người luôn nở nụ cười, luôn đem những phần quà đến cho mọi người, em cám ơn chị về tất cả. Em và con được về, nhưng mẹ em vẫn nằm cấp cứu. Gửi mẹ lại cho các chị, em thật sự rất yên tâm.

Cám ơn các bác sĩ! Cảm ơn tất cả!”

Đó là nội dung bức thư mà chị Phạm Thị Bảo Khuyên (phường 13, quận 5, TP Hồ Chí Minh), một bệnh nhân đã chiến thắng bệnh Covid-19 gửi lại các bác sĩ Quảng Ninh. Thư của chị Khuyên là một trong rất nhiều những lá thư, những lời cảm ơn chân thành mà những bệnh nhân ra viện gửi lại đoàn thầy thuốc tình nguyện Quảng Ninh.

Gần 100 ngày ở TP Hồ Chí Minh, Đoàn y tế Quảng Ninh đã tham gia điều trị gần 1.000 bệnh nhân ở Bệnh viện thu dung số 6 và tiếp nhận, thu dung, điều trị cho hơn 4.400 bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 12. Riêng tại Bệnh viện dã chiến số 12, có trên 3.330 người bệnh đã hồi phục và xuất viện. Cùng cách ly trong một khu điều trị, không biết từ bao giờ các y bác sĩ, điều dưỡng của Quảng Ninh đã trở thành người thân của những bệnh nhân nơi đây.

Nhìn sự gắn bó, gần gũi của cán bộ, nhân viên y tế Quảng Ninh với những người bệnh, ít ai biết rằng chỉ cách đây không lâu họ còn lạ lẫm, loay hoay trong giao tiếp với bệnh nhân bởi những khác biệt về thói quen, về giọng nói vùng miền… Để chăm sóc tốt cho bệnh nhân, họ đã vượt rất nhiều khó khăn, thiếu thốn và vượt qua cả những rào cản về sinh hoạt, ngôn ngữ bằng sự tận tâm, hết lòng vì người bệnh.

Dù giao tiếp qua bộ đồ bảo hộ kín mít, khác biệt về phương ngữ nhưng các anh chị em trong đoàn vẫn kiên nhẫn lắng nghe, hỏi han các triệu chứng bệnh, chia sẻ với những lo lắng của bệnh nhân… Và với chuyên môn vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao, cùng sự thân thiện, gần gũi, họ đã xóa đi những khoảng cách, trở thành người thân của những bệnh nhân nơi đây.

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Hải Nam, Trưởng khoa Ngoại chuyên khoa Bệnh viện Sản nhi, Trưởng đoàn công tác tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: Sẵn sàng lên đường vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh, các y, bác sĩ Quảng Ninh đã chuẩn bị cho mình tâm lý vững vàng “chiến đấu” ngay cả khi đối mặt với những nguy hiểm thường trực. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn đã chia ca để đảm bảo sức khỏe cho anh em, nhưng do cường độ làm việc liên tục 24/7 không có ngày nghỉ nên nhiều người đuối sức. Rồi cả những khác biệt trong sinh hoạt cũng khiến anh em bỡ ngỡ. Song, mọi người vẫn luôn thể hiện một tinh thần vô cùng kiên cường và nhiệt huyết, nỗ lực hết sức chăm sóc bệnh nhân. Bệnh nhân hồi phục hàng ngày không chỉ là niềm vui mà còn là động lực để anh em chúng tôi cố gắng, giữ vững tinh thần, đẩy lùi dịch bệnh.

Từ giữa tháng 9/2021, tình hình dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh bắt đầu “hạ nhiệt”. Từ gần 5-6 ngàn ca mỗi ngày, số bệnh nhân mới giảm xuống vài ngàn rồi vài trăm ca/ngày. Lúc này, Sở Y tế Quảng Ninh cũng quyết định thay đổi nhân sự chống dịch tại TP Hồ Chí Minh để các y bác sĩ tình nguyện đi từ tháng 7 được trở về.

Tuy nhiên, trong số gần 70 người trong kế hoạch “rút quân” thì có đến 27 người viết đơn tình nguyện ở lại tuyến đầu chống dịch. Trong đó có 15 y bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí và 13 y bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Bãi Cháy.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Huyền, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển là một trong những người viết đơn tình nguyện ở lại TP Hồ Chí Minh chống dịch. Chị bảo: “Cầm bút viết đơn tình nguyện ở lại, tôi cũng đắn đo. Đây cũng là chuyến công tác đầu tiên tôi xa nhà lâu đến thế. Nhưng rồi nghĩ về những người bệnh cô độc, nằm thở trong khu cấp cứu, tôi thấy mình cần và nên ở lại”.

27 lá đơn tình nguyện ở lại TP Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid - 19 của những người con đất Mỏ. Tâm thư của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Cuộc chiến chống COVID-19 của cả nước nói chung và ngành y nói riêng còn khó khăn, thách thức, nhưng tất cả những điều đó không làm chúng ta chùn bước, sờn lòng, bởi vì đằng sau chúng ta là hàng triệu người dân, trong đó có người thân của chúng ta đang dõi theo, tin cậy và hy vọng. Đó là động lực, là sự quyết tâm để chúng ta vững tin chiến đấu với dịch bệnh. Niềm vui của người thầy thuốc lúc này là có thêm nhiều địa phương kiểm soát được dịch, nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch được khỏi bệnh và quay trở lại với cuộc sống".


Những ngày đầu ở tâm dịch
Giữa cái nắng tháng 7 của miền Bắc như đổ lửa, chia xa gia đình, đồng nghiệp, Đoàn y tế Quảng Ninh với hơn 70 y, bác sĩ đã lên đường, xông pha vào các bệnh viện dã chiến, vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh để tham gia cứu chữa cho các bệnh nhân Covid-19…
   
"Cuộc chiến" ở khu cấp cứu
Cuộc chiến giành giật sự sống đã trở nên quá căng thẳng trong tâm dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, nhất là ở những khu cấp cứu. Giữa lằn ranh sống - chết mong manh ấy, những chiến sĩ áo trắng chính là những người nỗ lực đến cùng, giữ từng nhịp thở, giữ lại mạng sống cho người bệnh.
   
Chúng tôi đã thành F0
Trong cuộc chiến chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lực lượng y tế đã phải chịu tổn thất nặng nề khi có đến gần 1.000 cán bộ, nhân viên y tế bị phơi nhiễm Covid-19 trong khi làm nhiệm vụ. Trong số đó, có những y bác sĩ, điều dưỡng của Quảng Ninh tham gia chống dịch ở thành phố mang tên Bác.
   
Những chuyến xe chạy đua với “tử thần”
Hơn 2 tháng với hàng ngàn bệnh nhân điều trị, rất nhiều người, rất nhiều kỷ niệm trong cuộc chiến chống lại kẻ thù Covid-19 tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh đã đi vào ký ức của những y, bác sĩ tình nguyện Quảng Ninh.
   
Nơi yêu thương gửi về
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Đoàn y tế tình nguyện của Quảng Ninh không hề cô đơn mà có sự đồng hành, sự ủng hộ của tỉnh và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
   

Thực hiện: Bảo Bình

Kỹ thuật đồ họa: Hùng Sơn