Nhịp cầu hội nhập
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ là vị khách đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Theo chương trình, trong những ngày ở Nhật Bản, từ ngày 18 đến 22-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp Liên minh Hữu nghị Nhật-Việt trong Quốc hội; sau đó chào Nhà vua; phát biểu trước Quốc hội; hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản; tham dự một cuộc hội thảo rất lớn với các doanh nghiệp ở Tôkiô và Ôsaka.
Năm 2002, lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất xây dựng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản theo phương châm “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Trong chuyến thăm Việt Nam 7-2004 của Ngoại trưởng Nhật Bản, hai bên đã ký Tuyên bố chung “Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững”, bên cạnh đó hai bên cũng đã tạo dựng được cơ chế đối thoại ở nhiều cấp và nhiều lĩnh vực thường kỳ hàng năm.
Tính đến cuối tháng 8-2006, Nhật Bản đã có 677 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký 6,8 tỷ USD, đứng thứ 3 trong các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam (sau Singapore và Đài Loan), nhưng lại là nước đứng đầu về vốn đầu tư thực hiện (khoảng gần 4,7 tỷ USD). Vốn đầu tư của Nhật Bản tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp 85% về vốn đăng ký. Số vốn đầu tư còn lại thuộc các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ. Riêng năm 2005, tổng vốn đầu tư Nhật Bản là 913 triệu USD với 107 dự án cấp mới và 106 lượt tăng vốn.
Quảng Ninh hướng tới Đất nước hoa Anh đào trong những ngày Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cao cấp Chính phủ thăm Nhật Bản bằng niềm hân hoan chờ đón ngày khánh thành thông cầu Bãi Cháy, cây cầu được xây dựng từ nguồn vốn ODA và công nghệ của Nhật Bản, biểu hiện của “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” và “Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững”. Cầu Bãi Cháy sẽ khánh thành vào dịp Quảng Ninh kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Công nhân mỏ 12-11 (1936-2006). Đây cũng là dịp Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị APEC và sẽ gia nhập WTO.
Nhịp cầu hội nhập là không khí mới của Việt Nam hôm nay.
Ý kiến ()