Nhân rộng các mô hình hiếu học
Hiếu học là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Trong các giai đoạn lịch sử đều xuất hiện những tấm gương siêng năng học tập, dùi mài kinh sử đỗ đạt thành tài giúp dân, giúp nước được xã hội ngưỡng mộ, kính nể. Phát huy truyền thống đó ở nhiều địa phương, làng xã, gia đình đã chú trọng, tạo điều kiện để khơi dậy phong trào học tập, nâng cao tri thức. ở tỉnh ta nhiều dòng họ, cơ quan, khu dân cư và nhiều gia đình đã thực sự coi trọng việc khuyến học, khuyến tài, đưa vào quy ước, hương ước của gia đình, dòng họ các tiêu chí, mục tiêu về học tập, rèn luyện. Nhiều nơi đã xây dựng được quỹ khuyến học để động viên các tấm gương hiếu học. Nhiều gia đình hoàn cảnh còn nghèo khó nhưng đã chắt chiu, dồn mọi nỗ lực để đầu tư cho con cái ăn học. Không ít gia đình có nhiều người con, cháu đều đỗ đạt, có học hàm học vị cao được làng xã, mọi người trân trọng.
Hiện nay chúng ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội học tập. Đó là việc khơi dậy ý thức, phong trào học tập rộng rãi trong toàn xã hội. Đây là điều kiện quan trọng để tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt là để chủ động, vững vàng trong hội nhập với thế giới. Muốn vậy phải nhân rộng, phát triển mạnh các mô hình hiếu học, phong trào học tập ở các địa phương, trong mỗi gia đình và từng cá nhân. Để tạo điều kiện, các cấp, các ngành, đoàn thể và đặc biệt là Hội Khuyến học cần có các cơ chế, chính sách, biện pháp phù hợp để tạo động lực thúc đẩy phong trào học tập ở các cấp học, lứa tuổi, địa phương. Đặc biệt cần có hình thức khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu để phong trào có sức lan toả sâu, rộng.
Ý kiến ()