Người tiên phong trồng quế hữu cơ ở Khe Lặc
Người dân trên địa bàn huyện Tiên Yên đang mạnh dạn chuyển hướng canh tác rừng sang trồng rừng hữu cơ, trong đó gia đình anh Sằn A Phật (thôn Khe Lặc, xã Đại Dực) là một trong những hộ tiên phong phát triển kinh tế rừng theo hướng hữu cơ như vậy.
Gia đình anh Phật có gần 20ha rừng trước đây chủ yếu trồng keo, kể từ năm 2015 đến nay chuyển sang trồng cây quế. Hiện gia đình anh Phật có khoảng 10ha rừng quế, trong đó có 5ha rừng quế hữu cơ. Anh Phật cho biết: Đất rừng ở Khe Lặc có cái thuận là cao và nền nhiệt luôn thấp hơn mức trung bình, phù hợp cho cây quế phát triển. Những thương lái thu mua quế của Khe Lặc đều cho rằng cây ở đây thân thẳng hơn, vỏ dầy hơn, cay nồng hơn và có nhiều tinh chất dầu.
Trồng quế khác với những loại cây khác là phải bỏ công chăm sóc nhiều. Trồng quế theo hướng hữu cơ yêu cầu không sử dụng phân bón, thuốc hoá học, mọi công đoạn trồng, chăm sóc cây gần như đều làm thủ công, nên người dân phải bỏ công nhiều hơn, vất vả hơn. Bù lại, cây quế có thể cho thu tỉa trong mỗi kỳ chăm sóc, đây là nguồn thu các chủ rừng lấy ngắn nuôi dài, để đến khi cây đạt từ 12 tuổi trở lên có thể khai thác trắng, mang lại nguồn thu 250-300 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với thu nhập từ cây keo.
Nhờ trồng rừng nói chung, trồng quế hữu cơ nói riêng, đời sống của người dân thôn Khe Lặc đang khấm khá lên từng ngày. Điển hình là gia đình anh Sằn A Phật đạt mức thu nhập 300-400 triệu đồng/năm. Nhờ đó, vợ chồng anh Phật có điều kiện chăm lo, nuôi dạy con cái, xây được nhà to, sắm sửa được xe ô tô và các thiết bị khác phục vụ đời sống ngày một sung túc. Những người dân Khe Nặc như gia đình anh Sằn A Phật cũng có điều kiện để chung tay xây dựng thôn NTM, tiến tới trở thành thôn NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Gắn bó với mô hình trồng quế hữu cơ, nhận thấy dư địa phát triển kinh tế từ các rừng quế hữu cơ, hiện nay anh Sằn A Phật đang tìm hiểu và mong muốn phối hợp với những đơn vị chế biến quế để nâng cao giá trị rừng quế từ việc tận thu các nguồn lá quế rụng, cũng như các bộ phận khác của cây để chưng cất tinh dầu. Anh Phật cho biết: Đối với cây quế từ cành, lá, thân, vỏ đến rễ cây đều có tinh dầu, tuy nhiên hiện chúng ta mới chủ yếu thu vỏ quế là chính, còn lại những cây, cành nhỏ, rễ, lá thường bị bỏ lại rừng khô mục, vừa lãng phí, vừa không tốt cho đất để tiếp tục canh tác những lứa quế tiếp theo. Và khi các hộ dân ở Khe Lặc trồng nhiều quế hữu cơ hơn thì khối lượng cây cành bỏ phí như vậy sẽ rất lớn.
Từ kết quả phát triển kinh tế rừng ở thôn Khe Lặc, đặc biệt là từ kinh nghiệm trồng gỗ lớn, trồng rừng hữu cơ của gia đình anh Sằn A Phật, hiện nay xã Đại Dực đang tiếp tục khuyến khích nhân rộng trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng hữu cơ trên toàn xã, đưa kinh tế rừng trở thành nguồn thu bền vững cho nhân dân.
Ý kiến ()