Nghiêm cấm can thiệp trong xử lý vi phạm giao thông
Ở Việt Nam 10 năm qua, trung bình mỗi năm có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó đa số người bị tai nạn đang trong độ tuổi lao động, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Mặc dù những năm qua, việc đảm bảo an toàn giao thông luôn được các bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường thực hiện, tuy nhiên tai nạn giao thông luôn là nỗi lo của người dân mỗi khi ra đường và khiến nhiều gia đình phải ly tán.
Chỉ tính riêng trong quý I năm nay, cả nước xảy ra 2.346 vụ tai nạn giao thông, làm 1.436 người chết, 1.578 người bị thương. Trong đó, đường bộ xảy ra 2.319 vụ, làm 1.417 người chết, 1.574 người bị thương; đường sắt xảy ra 20 vụ, làm 13 người chết, 4 người bị thương; đường thủy xảy ra 4 vụ, làm 4 người chết; hàng hải xảy ra 3 vụ, làm 2 người chết. Trong quý I, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý trên 750.000 trường hợp vi phạm trật tự, ATGT trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; phạt tiền trên 1.360 tỷ đồng; tước 139.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ gần 225.000 phương tiện các loại.
Với Quảng Ninh, trong quý I/2023 xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông, làm 13 người chết, 20 người bị thương. So với cùng kỳ giảm 1 vụ tai nạn, giảm 2 người chết, tuy nhiên lại tăng 9 người bị thương.
Nguyên nhân là do sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm tra việc thực hiện quy định ATGT đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa. Cùng với đó là ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Lỗi người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành quy định của pháp luật chiếm đến hơn 80%. Cấp uỷ, chính quyền, lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có nơi ỷ lại hoàn toàn vào lực lượng chức năng.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, mặc dù số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông trong quý I có giảm, tuy nhiên những con số này vẫn ở mức cao. Trước thực trạng tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Trong đó, công tác bảo đảm TTATGT phải quán triệt quan điểm: Đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm các quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của lực lượng chức năng. Mục tiêu là thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong nhân dân; giảm thiểu tai nạn giao thông, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan. Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.
Tai nạn giao thông luôn là vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân, gây ra nỗi đau cho nhiều gia đình, làm thiệt hại về kinh tế, tinh thần và nhiều hệ lụy khác. Để kéo giảm số vụ tai nạn giao thông thì ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của mỗi người dân là vô cùng quan trọng.
Ý kiến ()