Công nghiệp chế biến, chế tạo: Khẳng định vai trò động lực trong tăng trưởng kinh tế
Để tạo sự bứt phá và lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn mới, ngay trong những bước khởi đầu của nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, sau một năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, khẳng định hiệu quả, tạo ra lực đẩy mạnh mẽ để công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển nhanh, bền vững, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của tỉnh.
Bám sát mục tiêu, quan điểm, các nhóm nhiệm vụ giải pháp đã được xác định rõ trong Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 cũng như Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 4/1/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã nhận thức rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, tích cực vào cuộc, nhanh chóng đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Trong đó, phải kể đến việc tập trung phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, phát triển nhanh và bền vững các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN), tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Các cấp, ngành, địa phương đã huy động được nhiều nguồn lực, tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhanh và bền vững.
Điển hình, như KCN Đông Mai đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN gồm: San nền, đường giao thông, cây xanh, cấp nước, thoát nước...; hiện có khoảng 13,83ha đất công nghiệp có thể cho thuê. KCN Việt Hưng cũng đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB toàn bộ dự án, hiện đã san nền được khoảng 204/301ha (đạt khoảng 66%)...
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP đô thị Amata Hạ Long, cho biết: Tập đoàn Amata (Thái Lan) dành mọi nỗ lực, nguồn lực của tập đoàn để tiến hành đầu tư nhanh và mạnh nhất để hoàn thành các hạ tầng tiện ích phục vụ các nhà đầu tư thứ cấp. Từ nay đến hết năm 2021, chúng tôi đặt mục tiêu phải hoàn thành các hạ tầng tiện ích để nhà máy Jinko đi vào hoạt động. Trong suốt thời gian qua, Quảng Ninh luôn giữ vững địa bàn an toàn, đây cũng chính là điểm sáng, là cơ hội để Quảng Ninh thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Các sở, ban, ngành, địa phương còn tích cực rà soát, tham mưu cho tỉnh hoạch định thu hút những dự án động lực, trọng điểm, có số vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ sạch, ít hao tổn tài nguyên và tạo ra giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, nhờ những biện pháp kịp thời, linh hoạt, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, đã tạo động lực để các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo yên tâm sản xuất, tạo làn sóng thu hút đầu tư. Cùng với đó, tỉnh còn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; thành lập các tổ công tác riêng để hỗ trợ một số dự án đầu tư trọng điểm; đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp... Từ đó, góp phần thu hút được nhiều dự án mới tại các KKT, KCN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, phát huy nguồn nhân lực, tạo ra năng lực sản xuất mới, đóng góp vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách của tỉnh. Tỉnh cũng đã thành lập 5 tổ công tác để trực tiếp hỗ trợ triển khai các dự án ngoài ngân sách, các dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ông Huang Jinxing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam), chia sẻ: Ngay sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Jinko 1, chỉ sau 6 tháng, chúng tôi đã được nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Jinko 2, chúng tôi thực sự rất vui mừng và phấn khởi. Kết quả này, đã khẳng định sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành của tỉnh với doanh nghiệp chúng tôi. Các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn sâu sát, động viên và cam kết tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ Tập đoàn tiếp tục triển khai đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh. Hơn nữa, Quảng Ninh là một trong những tỉnh, thành tại Việt Nam thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, giữ vững địa bàn an toàn. Do đó, chúng tôi đã quyết định lựa chọn đầu tư triển khai dự án mới tại tỉnh. Chúng tôi cam kết sẽ nhanh chóng đưa dự án đi vào hoạt động, sản xuất lô sản phẩm đầu tiên chậm nhất là tháng 1/2022.
Tính đến nay, các dự án động lực, trọng điểm có vốn đầu tư ngoài ngân sách được đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành đưa vào sử dụng như các dự án trong KCN Đông Mai, Sông Khoai; dự án Nhà máy may mặc Hoa Lợi Đạt Cẩm Phả… Tỉnh đã khởi công một số dự án trọng điểm như: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại TX Quảng Yên và TP Hạ Long; dự án Sân gofl Đông Triều; Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại TP Cẩm Phả và dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tại TP Móng Cái với tổng mức đầu tư trên 283.200 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lũy kế 10 tháng, ước tăng 36,21% cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo 10 tháng tăng so với cùng kỳ như: Sợi bông cotton đạt 252 nghìn tấn, tăng 17% cùng kỳ; loa đạt 5,6 triệu cái, tăng 345,3% cùng kỳ; vải dệt từ sợi bông tổng hợp đạt 2,919 triệu m2, tăng 231,3% cùng kỳ; màn hình tivi đạt 561,85 nghìn cái, tăng 1.019% cùng kỳ; thân mũ đạt 18,3 triệu cái, tăng 559% cùng kỳ...
Trong bối cảnh chung khó khăn về sản xuất kinh doanh trên toàn quốc và điều kiện ngành than, dịch vụ, du lịch vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 của tỉnh vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ, ước đạt 10,1%. Trong đó, động lực tăng trưởng chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò quan trọng, tăng 31,94% so cùng kỳ, đóng góp 3,3 điểm % tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 11,9% trong GRDP. Qua đó, đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng bền vững của tỉnh giai đoạn 2020-2025.
Ý kiến ()