
Nét đẹp văn hoá thợ mỏ ở Than Uông Bí
Những năm qua, Công ty Than Uông Bí - TKV đã triển khai tốt các chính sách hỗ trợ dành cho thân nhân người lao động. Đáng chú ý, doanh nghiệp đã tạo điều kiện về việc làm, hỗ trợ kinh phí học tập, xây, sửa nhà ở cho vợ và con công nhân không may bị tai nạn lao động nặng, tử vong; đồng thời có nhiều chế độ chăm lo cho con em thợ mỏ toàn đơn vị.
Anh Nguyễn Văn Chiến là thợ lò của Công ty Than Uông Bí, hiện đang làm việc tại Phân xưởng K10. Vợ chồng anh Chiến sinh được 2 người con, trong đó cháu Nguyễn Hải Phúc (SN 2024) không may mắc bệnh tim bẩm sinh, phải phẫu thuật và điều trị tại bệnh viện. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, neo người, vợ anh phải nghỉ việc và thường xuyên ở bệnh viện để tiện chăm sóc con. Chính vì vậy, toàn bộ gánh nặng về kinh tế để phục vụ sinh hoạt cho gia đình và chi phí điều trị bệnh cho con đều dồn lên đôi vai anh Chiến.
Chia sẻ với hoàn cảnh của anh Chiến, Công ty Than Uông Bí đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ gia đình anh cả về vật chất và tinh thần. "Từ năm 2025, công ty thực hiện hỗ trợ con trai tôi số tiền 2 triệu đồng/năm để điều trị bệnh. Ngoài ra, đơn vị cũng rất quan tâm, thường xuyên thăm hỏi, động viên cháu lớn khi vào năm học mới và tặng quà cho các con tôi vào những dịp như 1/6, Tết Nguyên đán... Gia đình rất cảm kích trước tấm lòng của đơn vị và tôi lấy đó làm động lực để cố gắng hơn trong công việc" - anh Chiến tâm sự.
Trong nhiều năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Công ty Than Uông Bí đã triển khai nhiều chế độ, chính sách dành cho con em thợ mỏ. Từ đầu năm đến nay, ngoài gia đình anh Nguyễn Văn Chiến, công ty đã hỗ trợ thăm, tặng quà 8 trẻ là con CBCNLĐ của công ty trong diện đỡ đầu có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi bố, mẹ, mắc bệnh hiểm nghèo... với mức 1 triệu đồng/cháu.

Đặc biệt, bằng trách nhiệm và tinh thần sẻ chia với những trường hợp không may bị tai nạn lao động, Công ty Than Uông Bí đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo đặc biệt cho thân nhân của họ. Sự chăm lo này vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp, vừa thay lời tri ân những đóng góp của người lao động đối với đơn vị, đồng thời cũng trở thành “phao cứu sinh” giúp vợ, con, thân nhân thợ lò có một sự đảm bảo về cuộc sống và tương lai.
Anh Nguyễn Văn Huân (SN 1983), từng là thợ lò lành nghề của Công ty Than Uông Bí, không may bị mất khả năng đi lại trong một tai nạn lao động cách đây 10 năm, phải nghỉ việc. Anh Huân trải lòng: Khi biết bản thân không còn lành lặn, tôi đã rất suy sụp. Nhưng rồi tôi thấy mình vẫn còn may mắn khi được công ty dành sự quan tâm, tạo điều kiện để chữa trị tốt nhất, giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, công ty đã tiếp nhận vợ tôi vào làm việc tại Phân xưởng Đời sống, với mức thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Công ty cũng thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho con tôi trong những dịp đặc biệt như 1/6, ngày lễ, tết.
Hằng năm, Công ty Than Uông Bí đều tổng hợp hồ sơ con em CBCNLĐ của công ty đã hy sinh vì sự nghiệp làm than, trình TKV đề nghị trợ cấp học bổng với các mức: 2,5 triệu đồng/cháu/năm học ở cấp tiểu học; 3 triệu đồng/cháu/năm học ở cấp THCS; 4 triệu đồng/cháu/năm học ở cấp THPT; 6 triệu đồng/cháu/năm học ở chương trình giáo dục nghề nghiệp và 8 triệu đồng đồng/cháu/năm học ở bậc đại học.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Tổ chức - Lao động Công ty Than Uông Bí, cho biết: Năm 2025, công ty đã tổng hợp hồ sơ trình TKV duyệt trợ cấp học bổng cho 55 cháu, với số tiền trợ cấp dự kiến là 468 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, rất nhiều con em thợ mỏ đã cố gắng vượt khó vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập, được Tập đoàn và công ty khen thưởng hằng năm.

Truyền thống đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn giữa những người thợ mỏ đã trở thành nét đẹp văn hóa của TKV và các doanh nghiệp ngành Than, trong đó có Than Uông Bí. Sự sẻ chia ấy đã tạo nên chất keo gắn kết tình đồng chí, đồng nghiệp giữa những cán bộ, công nhân, thợ mỏ thành một khối đoàn kết, thống nhất, tạo nên sức mạnh để ngành Than vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Ý kiến ()