Nét đẹp cổ truyền
Tết Nguyên đán là ngày lễ truyền thống lớn nhất, lâu đời nhất của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp, là cơ hội để gia đình sum họp, người thân, bạn bè gặp mặt, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Trong cuộc sống hiện đại, ngày càng đủ đầy, người ta lại thích tìm về những nét xưa cũ, trân trọng những nét văn hoá truyền thống đã được cha ông bồi đắp, trao lại. Tết Nguyên đán là dịp quan trọng nhất để mọi người nghĩ về việc đó.
Người Việt, nhất là những người sinh vào khoảng thập kỷ 70 của thế kỷ trước trở về trước không thể quên được những ký ức tuổi thơ gắn liền với Tết. Đó là những năm đất nước khó khăn, chiến tranh, đến ăn no còn là một ước mơ huống chi là Tết. Câu thành ngữ “Già bát canh, trẻ manh áo” chính là nói lên ước muốn nhỏ nhoi như thế. Lại có câu “giàu nghèo ba ngày Tết” để phản ánh đời sống xã hội xưa trong mỗi gia đình. Nhìn vào ba ngày Tết sẽ biết ngay ai giàu, ai nghèo. Cả một năm lao động vất vả, ngày Tết có đủ đầy hay thiếu thốn, đói rét sẽ thể hiện ngay qua mâm cỗ Tết, qua bộ quần áo mới cho con trẻ.
Không phải ngẫu nhiên ngày Tết được coi là ngày của đoàn viên bởi đây là dịp lễ Tết quan trọng nhất của người Việt Nam, thời gian nghỉ lễ dài nhất trong năm và là dịp hiếm hoi để mọi người về quê thăm gia đình, cùng quây quần bên nhau đón một năm mới sau một thời gian dài xa cách, bôn ba vất vả kiếm sống. Càng đi xa, nỗi niềm mong ngóng được trở về nhà mỗi dịp Tết đến xuân về càng trở nên tha thiết, khắc khoải hơn. Hình ảnh cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng, sum họp bên mâm cơm tất niên đoàn tụ gia đình chiều cuối năm đã trở nên quen thuộc, là biểu trưng cho tình cảm gia đình đầm ấm, đoàn kết các thế hệ trong một gia đình.
Có thể thấy rằng, Tết là dịp để mỗi người nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả, gia đình sum họp, cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với gia đình và bản thân. Cũng trong ngày đầu năm, mọi người thường làm việc thiện, chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn để tất cả đều có một cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn trong năm mới.
Phong tục thờ cúng tổ tiên đã trở thành tục lệ lâu đời của dân tộc ta, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Những ngày này đa số gia đình Việt có bàn thờ tổ tiên với hương, hoa, thực phẩm đầy đủ, thể hiện sự biết ơn, lòng thành kính hướng về ông bà tổ tiên đã khuất.
Đáng mừng là những giá trị văn hoá truyền thống Tết cổ truyền của dân tộc đã và đang được người Việt hiểu rõ để mà kế thừa, trao truyền. Không cứ các gia đình ở nông thôn mà nhiều gia đình ở thành thị, dù những ngày Tết “ăn uống chả đáng bao nhiêu” nhưng vẫn “bày vẽ” gói bánh chưng để giữ phong vị của tổ tiên. Nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức gói bánh chưng để tặng cho cán bộ, công nhân, người lao động. Đặc biệt, nhiều trường học cũng đã tổ chức cho học sinh gói bánh chưng. Qua đó, gieo vào tâm hồn các em nét đẹp của Tết truyền thống dân tộc.
Ngày nay, dù có xây dựng một xã hội văn minh và hiện đại nhưng việc giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Tuỳ theo mỗi vùng miền thì có những quan niệm, những phong tục khác nhau về ngày Tết song những giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa riêng của người Việt thì cần phải được gìn giữ, lưu truyền và phát huy.
Có thể nói rằng, càng tìm hiểu những phong tục tốt đẹp của người Việt Nam qua việc đón Tết cổ truyền, chúng ta lại càng thêm tự hào, trân trọng và nhớ ơn những người đi trước, nhớ về cội nguồn và có trách nhiệm giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cùng ra sức gìn giữ bồi đắp văn hóa Việt góp phần xây dựng cuộc sống mới, xây dựng quê hương, đất nước.
Ý kiến ()