Nâng cao trách nhiệm với cộng đồng
Trong những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến vẫn vô cùng phức tạp. Số ca mắc gia tăng ở hầu hết các địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Ninh. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực tăng cường các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu số ca mắc, tử vong. Trong nỗ lực chung ấy, ý thức mỗi cá nhân, đơn vị, cơ quan, tổ dân, khu phố có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng.
1 tháng qua, kể từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, nhất là sau rằm tháng giêng, số người được xác nhận dương tính, nhiễm virus SARS-CoV-1 gia tăng. Đây là điều đã được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia cũng như các địa phương dự báo từ trước, bởi dịp Tết, đại đa số người dân có nhu cầu đoàn tụ người thân, gặp gỡ bạn bè, tham quan... Đây là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng số ca mắc.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 7/3 đến 16h ngày 8/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 162.435 ca nhiễm mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 162.415 ca ghi nhận trong nước (tăng 15.080 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 104.353 ca trong cộng đồng). Một số tỉnh dẫn đầu về số ca F0 cao như Hà Nội (32.650), Nghệ An (15.292). Quảng Ninh được ghi nhận 2.906 ca.
Mặc dù dịch bùng phát, số ca mắc mới tăng cao, các cơ quan, nhất là báo chí truyền thông liên tục tuyên truyền về tình hình dịch, cảnh báo những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ, hậu dịch, kêu gọi mọi người nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch nhưng bên cạnh số đông chấp hành nghiêm các quy định của chính quyền, cơ quan chức năng, vẫn còn không ít trường hợp chủ quan, thiếu ý thức. Đây đó, có không ít người chủ quan khi thấy mình bị F0 mà “vẫn thấy bình thường, sức khoẻ không thấy gì suy giảm”, hoặc có tư tưởng đã dương tính, khỏi rồi là vô tư, không lo bị nữa. Vì thế, có thể giao lưu, tiếp xúc thoải mái. Lại có những người là F1 nguy cơ cao, hoặc bản thân bị F0 nhưng sợ bị cách ly sẽ phải nghỉ ở nhà, ảnh hưởng đến công việc, thu nhập nên không khai báo với cơ quan y tế địa phương hay tổ dân, khu phố. Những suy nghĩ, hành vi như thế sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng, hệ thống chính quyền trong nỗ lực phòng chống dịch Covid-19, nhất là ở cơ sở.
Thực hiện Nghị quyết 128-NQ/CP cũng như chủ trương của Chính phủ, ngày 15/3 tới, du lịch trong cả nước sẽ mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới. Phát triển kinh tế song hành cùng nỗ lực phòng chống dịch. Đó là một chủ trương đúng đắn để đất nước phát triển, đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, điều đó cũng đòi hỏi công tác phòng chống dịch Covid-19 phải nỗ lực hơn nữa.
Ngày 8/3/2022, Văn phòng Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã có Thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Mục tiêu cao nhất là giảm số ca mắc mới, giảm số ca nhập viện, trở nặng, tử vong, không để quá tải hệ thống y tế, hệ thống an sinh xã hội, hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tiếp tục giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới".
Chỉ đạo của Thông báo cũng nhắc lại kiên trì thực hiện nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ và ý thức người dân” và yêu cầu “luôn lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, mỗi gia đình là nền tảng để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Như thế, có thể thấy, bắt đầu từ ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng.
Ý kiến ()