Nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế điều trị, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới
Ngày 21/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe, cho ý kiến về Đề án nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị, chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030. Đây là 1 trong 15 đề án, chương trình trọng điểm được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách cho sự nghiệp y tế; đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn thiện các cơ sở y tế; tập trung rà soát, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả, gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, y bác sỹ; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình và lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Hầu hết các chỉ tiêu về dịch vụ y tế và chỉ số sức khỏe dân cư trong tỉnh đều cao hơn so với mặt bằng chung toàn quốc. Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân năm 2020 đạt 14,8 (cả nước đạt 9 bác sỹ); tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 54,6 (cả nước đạt 29,5); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% (cả nước đạt 90,7%); 100% số người nghèo, đối tượng chính sách được khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; trên 97% dân số được khởi tạo hồ sơ sức khỏe, trong đó trên 82% hồ sơ được cập nhật thông tin. Tuổi thọ bình quân của người dân Quảng Ninh năm 2019 đạt 73,5 tuổi. Tỉnh cũng chủ động trong công tác y tế dự phòng, nâng cao hiệu quả năng lực dự báo, phát hiện, kiểm soát và khống chế dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19...
Tuy nhiên, hệ thống y tế trong toàn tỉnh hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tổ chức bộ máy còn một số bất cập nhất là tại tuyến y tế cơ sở. Chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân. Các dịch vụ y tế chuyên sâu, chất lượng cao trên địa bàn chưa phát triển. Đáng chú ý, nhân lực y tế trong tỉnh còn hạn chế về chất lượng, bất cập về phân bố và chưa hợp lý về cơ cấu. Trong khi, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều vấn đề đã và đang phát sinh gây ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe nhân dân như: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội; tai nạn thương tích, lạm dụng rượu bia... Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, giao lưu quốc tế nhanh chóng như hiện nay, việc phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như Covid-19 càng trở nên nặng nề hơn khi ngành y tế giữ vai trò là cửa ngõ kiểm dịch y tế quốc tế, góp phần quan trọng trong ổn định an ninh biên giới.
Với mục tiêu tăng cường năng lực hệ thống y tế đảm bảo công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế trong bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nhanh chóng đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế và là tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh trong vùng kinh tế trọng điểm, Đề án nâng cao năng lực hệ thống y tế, tăng cường chất lượng bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 – 2025 đã tập trung đánh giá thực trạng của hệ thống y tế công lập hiện nay của tỉnh về tổ chức bộ máy, nhân lực, y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, dân số, dược, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… Qua đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp làm cơ sở triển khai, thực hiện với mục tiêu lớn nhất là nâng cao chất lượng, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Cho ý kiến vào Đề án, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao Đề án được xây dựng công phu, thể hiện sự đầu tư kỹ lưỡng, bài bản. Đồng thời, khẳng định đây là đề án đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, chưa rõ thời điểm kết thúc trên phạm vi toàn thế giới và trong nước, Quảng Ninh đang cùng cả nước chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong những năm qua, nhất là 10 năm gần đây, tỉnh không ngừng chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân với hệ thống y tế đồng bộ hiện đại. Đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở đều phát huy năng lực, tổ chức phòng, chống dịch hiệu quả, tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay tuyệt đối an toàn, không để các tình huống bất ngờ nảy sinh.
Phát huy những lợi thế sẵn có, đồng thời đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới, đồng chí yêu cầu Đề án cần phải quan tâm đến việc nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế điều trị để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 theo chiến lược thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm số ca mắc, giảm ca trở nặng và ca tử vong; trên cơ sở phải tiếp tục củng cố y tế cơ sở, y tế học đường để sẵn sàng năng lực ứng phó có hiệu quả với mọi cấp độ của dịch bệnh theo phân cấp, theo chức năng, nhiệm vụ. Đối với y tế cơ sở, phải đảm bảo người dân được tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất từ xa, từ sớm, từ cơ sở nếu dịch bệnh xảy ra, nhất là 2 đối tượng bảo vệ trọng điểm là đối tượng trên 50 tuổi có bệnh nền và học sinh dưới 18 tuổi chưa được tiêm. Y tế dự phòng phải là nòng cốt của nòng cốt, phải được tăng cường thông qua đầu tư trang thiết bị và tổ chức nguồn lực hợp lý, hiệu quả. Quan tâm hệ thống y tế điều trị và đặc biệt bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ y tế để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Cùng với tập trung công nghệ thông tin, ưu tiên nâng cao trình độ quản trị bệnh viện, quản trị nguồn nhân lực, quản trị trang thiết bị và các mô hình khám chữa bệnh, đầu tư hợp lý từ ngân sách nhà nước phù hợp với khả năng cân đối kết hợp với huy động tối đa xã hội hóa, đảm bảo bình đẳng giữa y tế trong và ngoài nhà nước.
Nâng chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trọng tâm là nâng cao tuổi thọ trung bình, giảm nhanh tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thể thấp còi dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ béo phì, nâng chiều cao trung bình của thanh niên Quảng Ninh 18 tuổi, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi; quản trị được các trường hợp bệnh không lây nhiễm trong vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, hải đảo từ xa, từ sớm, từ cơ sở; phát triển mạnh mẽ mô hình bác sỹ gia đình gắn với y tế cơ sở; phát triển nhanh dịch vụ y tế chất lượng cao bằng nguồn lực từ cơ sở để người dân được thụ hưởng tốt nhất, tiếp cận nhanh nhất, chất lượng tốt nhất với giá cả dịch vụ hợp lý. Việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cần quan tâm hơn đến đội ngũ công nhân lao động ngành than.
Cũng trong sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời kỳ 2021-2025. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, đây là một hợp phần quan trọng trong Quy hoạch tỉnh. Vì vậy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tiếp tục rà soát hiện trạng sử dụng đất, mặt nước từ cấp xã đến cấp huyện làm cơ sở cho việc lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Quá trình rà soát bảo đảm tính khách quan, trung thực; hồ sơ, số liệu thống kê có độ tin cậy, chính xác cao. Trong quá trình triển khai thực hiện, yêu cầu người đứng đầu cơ quan chức năng và địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và cấp ủy, cơ quan trực thuộc cấp trên. Cấp xã, huyện tiếp tục rà soát kỹ hiện trạng sử dụng đất, nhất là rà soát trên thực địa các loại đất lúa, đất rừng, đất khoáng sản và đất có mặt nước bảo đảm độ chính xác trên hồ sơ và thực tế, gắn với nhu cầu đề xuất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đứng trước mâu thuẫn giữa nhu cầu sử dụng đất phát triển công nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ, đô thị hóa ngày càng tăng với diện tích đất tự nhiên hạn hẹp, địa hình tự nhiên chủ yếu là đồi núi và đất khoáng sản chiếm vị trí rất lớn. Vì vậy, việc có được phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất lớn đối với việc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như thu hút nhà đầu tư của tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài ra, việc lập phương án này cùng với Kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2025 có độ chính xác cao, phù hợp với hiện trạng đất đai và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sẽ góp phần nâng cao chất lượng Quy hoạch tỉnh và bảo đảm hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, Sở Tài nguyên Môi trường và Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện phải tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ để có được phương án hiệu quả, đúng với chỉ đạo của tỉnh, trong đó, tuân thủ một số nguyên tắc là sử dụng tiết kiệm bền vững tài nguyên đất, gắn với bảo vệ hệ sinh thái; đảm bảo thực hiện mục tiêu tới năm 2025, giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 55% và nâng cao chất lượng rừng; ngăn chặn các dự án phát triển đô thị mang tính đầu cơ. Liên quan tới đất, mặt biển, phải đặt trong tổng thể không gian biển quốc gia và Quảng Ninh dứt khoát thực hiện lộ trình đóng cửa than lộ thiên, giảm thiểu cấp phép mặt bằng tự nhiên để đổ thải.
Ý kiến ()