Nâng cao hiệu quả hệ thống cấp cứu y tế
Trong cuộc sống hằng ngày, các vụ tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, cháy nổ, bão lũ… có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Nếu người bị nạn được sơ cứu, cấp cứu kịp thời, đúng cách không chỉ giúp cứu sống bệnh nhân, ngăn không cho tình trạng bệnh xấu đi, mà còn thúc đẩy quá trình hồi phục bệnh. Bởi tính chất cấp thiết như vậy, ngành Y tế tỉnh đã có nhiều giải pháp phát triển mạng lưới cấp cứu và vận chuyển cấp cứu trên địa bàn.
Ngành Y tế đã thiết lập mạng lưới cấp cứu ngoại viện từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh, vai trò đầu mối điều phối được giao cho Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115. Tổng đài 115 được đặt tại Trung tâm hiện có 12 điện thoại tiếp nhận các cuộc gọi của người dân cần cấp cứu. Từ đó điều phối đến các đơn vị y tế trong toàn tỉnh thực hiện cấp cứu và vận chuyển người dân gặp vấn đề về sức khỏe đến các cơ sở y tế gần nhất.
Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 cũng được giao nhiệm vụ điều phối 57 xe cứu thương trong toàn tỉnh. Các xe cứu thương được trang bị những thiết bị y tế phù hợp cấp cứu ngoài hiện trường, như: Máy thở, bình ôxy, máy monitor, máy ép tim tự động, thuốc cấp cứu… Đặc biệt, tất cả xe cứu thương đều được gắn định vị toàn cầu GPS, giúp định vị từ xa được trạng thái của các xe ở gần người bị nạn nhất và hiển thị trên màn hình lớn đặt tại Trung tâm. Từ đó điều phối cấp cứu và vận chuyển nhanh chóng, chính xác, kịp thời, cứu sống người bệnh.
Bác sĩ CKI Dương Ngọc Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115, cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác cấp cứu người bệnh, chúng tôi đã ứng dụng phần mềm hội chẩn từ xa Telemedicine. Theo đó, bác sĩ tại Trung tâm thông qua hệ thống camera đàm thoại 2 chiều gắn trên xe cứu thương có thể hội chẩn ca khó, ca bệnh nặng với nhân viên cấp cứu tại hiện trường, đảm bảo thời gian vàng trong cấp cứu trước viện, nhất là đối với cấp cứu ngừng tuần hoàn, đột quỵ và chấn thương sọ não.
Cùng với Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115, ngành Y tế tỉnh đang duy trì hoạt động 23 kíp cấp cứu ngoại viện. Và có thể huy động tối đa tới 106 kíp cấp cứu ngoại viện trong toàn tỉnh, để kịp thời phục vụ cấp cứu nạn nhân hàng loạt trong tình huống thảm họa. Toàn tỉnh có 143 bác sĩ, 213 nhân viên y tế khác tham gia cấp cứu ngoại viện thuộc các chuyên khoa khác nhau. Các kíp cấp cứu ngoại viện đảm bảo tuân thủ đúng chuyên môn kỹ thuật y tế trong cấp cứu trước bệnh viện, kết nối và cung cấp thông tin sơ cấp cứu trước đó cho cơ sở khám chữa bệnh để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.
Ngành Y tế cũng thường xuyên quan tâm công tác đào tạo và đào tạo lại cho nhân viên y tế về kỹ năng cấp cứu, vận chuyển cấp cứu, ứng phó với dịch bệnh, thảm họa, cũng như giao tiếp ứng xử. Đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác cấp cứu trước bệnh viện của các đơn vị y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, đồng thời tăng cường các lớp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu cho tuyến cơ sở để người dân được cấp cứu, điều trị ngay tại địa phương.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ CKII Lê Đức Điệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, sơ cứu ban đầu sẽ quyết định sự sống của người bị nạn. Bệnh nhân sẽ sống sót nếu được sơ cứu kịp thời và đúng cách hoặc để lại di chứng nhẹ nhất có thể. Do đó bên cạnh việc thường xuyên cập nhật kiến thức cho đội ngũ y, bác sĩ chuyên về lĩnh vực cấp cứu và đội ngũ lái xe cứu thương thì chúng tôi cũng phối hợp phát triển mạng lưới cấp cứu ở tuyến cơ sở. Đồng thời truyền thông trong cộng đồng, khuyến khích người dân ở mọi lứa tuổi tham gia học sơ cấp cứu để có khả năng tự cứu bản thân hoặc hỗ trợ những người xung quanh trong các trường hợp rủi ro, trước khi có sự hỗ trợ của các nhân viên y tế.
Hiện, ngành Y tế tỉnh đang tích cực nghiên cứu ứng dụng phần mềm “Hệ thống ứng cứu khẩn cấp” để liên kết các đơn vị y tế toàn tỉnh trong công tác điều hành và tổng hợp thông tin sau khi tiếp nhận và bàn giao bệnh nhân. Đồng thời tăng cường ứng dụng Telemedicine để xử trí cấp cứu trong quá trình tiếp nhận và vận chuyển. Tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 trở thành một đơn vị vận chuyển cấp cứu chuyên nghiệp, hiện đại, kết nối đồng bộ trong tỉnh, tiến tới trở thành mô hình điểm kết nối với các địa phương lân cận và trên toàn quốc. Ngành cũng đang đề xuất tỉnh đầu tư 23 xe cứu thương mới, hiện đại, có đầy đủ trang thiết bị y tế chuyên dùng cho công tác vận chuyển cấp cứu.
Ý kiến ()