Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội nói chung, trong thanh thiếu niên nói riêng.
Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 96/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 “Về một số mục tiêu, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Nhờ đó, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh, thiếu niên đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh quan tâm, phối hợp triển khai thực hiện; đã tác động và làm thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên được nâng lên rõ rệt.
Tính đến tháng 9/2023, trên địa bàn tỉnh có 429.641 nhân khẩu trong độ tuổi từ 9-30 tuổi (chiếm 30,7% dân số toàn tỉnh), trong đó có: 3.581 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 3.871 trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Trong giai đoạn 2020-2023, tổng số bị can là thanh thiếu niên: 3.802 (chiếm 38,4% tổng số bị can bị khởi tố), tăng 369 bị can so với kỳ trước (kỳ trước khởi tố 3.433 bị can).
Thời gian gần đây, nổi lên tình trạng một số thanh thiếu niên tụ tập thành nhóm thực hiện các hành vi cướp tài sản, cướp giật tài sản, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán tàng trữ trái phép chất ma túy. Hay tụ tập thành nhóm, sử dụng nhiều phương tiện giao thông, di chuyển ngang nhiên, công khai trên các tuyến đường và tàng trữ, sử dụng vũ khí như súng tự chế, đao, kiếm, “dao phóng lợn” và các loại hung khí khác để đánh nhau, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng trên địa bàn. Một số đối tượng tụ tập, sử dụng xe mô tô, xe gắn máy (phương tiện dưới 50cc) tổ chức lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu, đua xe trên các tuyến đường giao thông… Tình hình trên kéo dài gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân, gây mất ANTT trên địa bàn tỉnh.
Đáng lưu ý, qua kết quả công tác đấu tranh cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ ma túy pha trộn trong đồ uống, thực phẩm. Từ năm 2021 đến nay, Công an tỉnh đã bắt giữ 21 vụ, 51 đối tượng phạm tội về ma túy, vật chứng thu giữ ngoài các loại ma túy truyền thống như heroin, ketamin, ma túy đá… còn thu giữ các loại ma túy “núp bóng” pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống; một số loại có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng ở một số nước trên thế giới, sau đó được các đối tượng lợi dụng lén lút mang vào Việt Nam sử dụng; đối tượng sử dụng thường là giới trẻ, học sinh, sinh viên; hậu quả tác hại gây ra rất lớn đối với sức khỏe của người sử dụng gần như ngay lập tức, bao gồm các triệu chứng như ngộ độc, ảo giác, thậm chí nguy cơ tử vong rất cao nếu không cấp cứu kịp thời… Ngoài ra, một số loại không phải là ma túy theo quy định của pháp luật nhưng cũng có thể gây nghiện, gây phấn khích, ảo giác như khí N2O (bóng cười), shisha, thuốc lá điện tử… đang được giới trẻ sử dụng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng và khiến người sử dụng có thể gây ra những hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Hiện nay, Quảng Ninh đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số mục tiêu, giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến thanh thiếu niên. Nghị quyết được ban hành sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên; trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống, tấn công, trấn áp tội phạm nhằm từng bước kiềm chế, tiến tới giảm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục, định hướng và xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn giúp thanh, thiếu niên phát triển toàn diện.
Ý kiến ()