
Coi trọng yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa khi đặt tên các xã, phường sau sắp xếp
Trong quá trình thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cùng với phương án sắp xếp thì việc đặt tên xã, phường mới sau sáp nhập cũng là nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm. Trên tinh thần dân chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân, thay vì dùng tên huyện kèm số thứ tự như dự kiến ban đầu, các địa phương đã lựa chọn tên gọi theo hướng nghiên cứu kỹ lưỡng yếu tố truyền thống, lịch sử và văn hóa một cách thận trọng, hợp lý và nhận được sự đồng thuận của cử tri, nhân dân.
Tại hội nghị lấy ý kiến cử tri tại phường Phương Đông, TP Uông Bí, diễn ra vào trung tuần tháng 4 vừa qua, trong không khí dân chủ, thẳng thắn, các cử tri thảo luận rất sôi nổi về phương án sáp nhập cũng như tên gọi của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Theo phương án dự kiến, 3 xã, phường là Thượng Yên Công, Phương Đông và Phương Nam sẽ sáp nhập và thành lập một phường mới lấy tên Yên Tử. Đại đa số cử tri đều đồng thuận với phương án sáp nhập, dù có một số ý kiến băn khoăn mong muốn giữ tên cũ vì đã gắn bó lâu dài với cộng đồng. Tuy nhiên, khi được phân tích kỹ lưỡng về sự phát triển bền vững gắn với yếu tố lịch sử, phần lớn cử tri đã thống nhất chọn tên Yên Tử cho phường mới.
Ông Phạm Hồng Thuần, cử tri của phường Phương Đông, cho biết: Việc đặt tên mới sau sắp xếp không đơn giản là tạo ra "danh xưng" hay xác lập địa giới hành chính, mà còn khẳng định chiều sâu lịch sử, văn hóa địa phương, giúp người dân thêm tự hào về nơi mình sinh sống. Việc lựa chọn tên Yên Tử là hợp lý vì đây là một cái tên gắn liền với lịch sử lâu đời của vùng đất này, đồng thời cũng là động lực phát triển cho các địa phương thời gian tới.

Tại thành phố Cẩm Phả, quá trình sáp nhập 4 phường Cửa Ông, Cẩm Thịnh, Cẩm Phú và Cẩm Sơn đã diễn ra với sự đồng thuận cao từ người dân. Trong đó, 100% cử tri phường Cẩm Thịnh đồng ý với phương án chọn tên gọi Cửa Ông cho phường mới sau sáp nhập mặc dù người dân đã gắn bó với tên địa danh Cẩm Thịnh hơn 40 năm.
Bà Nguyễn Thị Minh, khu 6A, phường Cẩm Thịnh, chia sẻ: Tên của phường mình đang ở, ai cũng muốn giữ lại vì đã gắn bó, quen thuộc mấy chục năm, và mọi giấy tờ đều ghi là phường Cẩm Thịnh, nhưng vì mục tiêu chung, chúng tôi hiểu và hoàn toàn nhất trí lấy tên phường Cửa Ông. Trước hết, đây là cái tên có ý nghĩa lịch sử của vùng đất này rồi. Một cái tên giàu bản sắc truyền thống cũng là lợi thế trong việc nhận diện địa phương và tạo điều kiện cho sự phát triển.
Cùng với cái tên Yên Tử, Cửa Ông, rất nhiều tên gọi gắn với các yếu tố truyền thống, lịch sử và văn hóa của địa phương được lựa chọn để đặt tên cho các phường, xã dự kiến thành lập mới. Tiêu biểu như phương án sáp nhập xã An Sinh, phường Bình Dương và xã Việt Dân (TP Đông Triều), lấy tên phường An Sinh; sáp nhập phường Vàng Danh, Bắc Sơn, Nam Khê và Trưng Vương (TP Uông Bí) lấy tên Vàng Danh; sáp nhập thị trấn Quảng Hà, các xã: Quảng Minh, Quảng Chính và Quảng Phong (huyện Hải Hà), lấy tên xã Quảng Hà…
Qua quá trình lên phương án sắp xếp, đặt tên gọi mới cho 51 đơn vị hành chính cấp xã mới, cùng với việc đặt tên gắn với các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa, các địa phương trong tỉnh cũng ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành mới, hạn chế tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến đơn vị hành chính cấp tỉnh. Như phường Bãi Cháy và Hùng Thắng sáp nhập, lấy tên là Bãi Cháy; 3 xã Thống Nhất, Vũ Oai, Hòa Bình sáp nhập, lấy tên là Thống Nhất… Ngoài ra, các tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện cũng được lấy để đặt tên cho các đơn vị hành chính cấp xã dự kiến được thành lập mới như: phường Hạ Long, phường Đông Triều, phường Uông Bí, phường Cẩm Phả, xã Ba Chẽ, xã Đầm Hà…. Đây là các tên gọi không chỉ gắn với một địa danh nổi tiếng, mà còn là thương hiệu của địa phương, của tỉnh, của quốc gia.
Ông Lưu Văn Thường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hải Hà, cho biết: Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện được xây dựng khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm. Các phương án đưa ra, nhất là việc đặt tên cho các xã mới sau sáp nhập được thảo luận rất kỹ trên cơ sở xem xét các yếu tố truyền thống, văn hóa, lịch sử cũng như tiếp thu các ý kiến của nhân dân, cử tri. Chính vì vậy mà đến nay các phương án sáp nhập cũng như tên gọi dự kiến của các xã mới đều nhận được sự đồng thuận rất cả của cán bộ, đảng viên và đông đảo cử tri trên địa bàn huyện.
Qua đợt lấy ý kiến vừa qua, 99,78% cử tri đồng ý với phương án tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Kết quả này không chỉ là cơ sở quan trọng để địa phương triển khai thuận lợi, hiệu quả các bước tiếp theo của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã mà còn là thước đo phản ánh mức độ đồng thuận và niềm tin xây dựng chính quyền gần dân, vì dân của tỉnh Quảng Ninh.
Ý kiến ()