
Nâng cao chất lượng CCHC, thu hút đầu tư
Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội (ngày 29/6/2024) về thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng Công văn số 5343/VPCP-KSTT của Văn phòng Chính phủ (ngày 27/7/2024), hiện mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh mới đã chính thức đi vào hoạt động. Với cơ chế linh hoạt, người dân và doanh nghiệp có thể nộp thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã, huyện, tỉnh tại trụ sở chính hoặc bất kỳ 13 chi nhánh của trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh trên địa bàn. Hệ thống sẽ tiếp nhận và giải quyết nhanh gọn tạo thuận lợi tối đa cho công dân và doanh nghiệp.

Nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý thủ tục hành chính theo mô hình phi địa giới, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức trên toàn tỉnh. Đồng thời quán triệt chuyển đổi số là phương thức chủ yếu để triển khai thực hiện, sử dụng tối đa dữ liệu số hóa để thẩm định, trao đổi trực tuyến giữa các bộ phận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, liên thông để có thể tiếp nhận hồ sơ cho công dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Hiện nay, trung tâm đã triển khai nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra quy trình 5 bước trên môi trường điện tử, đẩy mạnh việc số hóa thủ tục, tái sử dụng kết quả thủ tục hành chính trực tuyến thuận lợi nhất để vừa đáp ứng được công tác quản lý nhà nước nhưng cũng giải quyết cho người dân thuận tiện, nhanh gọn theo tiêu chí hợp lý hài hòa nhất.

Song song với công tác cải cách hành chính, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng phát triển xanh, bền vững. Tỉnh chủ trương lựa chọn các dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và quản trị, thân thiện với môi trường, phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp thứ cấp, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn.
Bà Lê Ngọc Trâm, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Đô thị Amata Hạ Long, chia sẻ: Khu công nghiệp Sông Khoai của chúng tôi hiện đang thu hút sự quan tâm từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực chip bán dẫn. Tuy nhiên, để thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, thực sự thu hút được họ, trước mắt cần thiết lập một chuỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa cung cấp linh kiện hỗ trợ, giúp hoàn thiện quy trình sản xuất chip ngay tại Quảng Ninh hoặc ngay tại Việt Nam.
Ông Yves Vanderstraeten, Ủy viên Ủy ban Lĩnh vực số của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam), nhận định: Quảng Ninh có hệ thống hạ tầng đồng bộ, chính sách cởi mở và môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Với định hướng phát triển xanh, bền vững cùng yêu cầu cao về công nghệ và chuyển đổi số, tôi tin rằng, Quảng Ninh sẽ sớm trở thành điểm đến hấp dẫn của ngành công nghiệp bán dẫn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 11.770 doanh nghiệp đang hoạt động và phát sinh số thu. Việc Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút đầu tư chiến lược sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, đưa tỉnh vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ý kiến ()