Nâng cao cảnh giác với bệnh do virus Marburg
Theo Bộ Y tế, bệnh Marburg (Mác-bớc) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A do vi rút Marburg gây ra. Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus), bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người và lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch...) hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc/chết do vi rút Marburg. Hiện bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%).
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh Marburg đang diễn biến phức tạp tại một số quốc gia châu Phi (Cộng hòa Thống nhất Tanzania, Guinea Xích Đạo).
Ngay sau khi có thông tin về căn bệnh này, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo ngành y tế và các đơn vị, địa phương liên quan chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống để người dân không hoang mang, lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Nhiều giải pháp giám sát, phòng chống dịch đã được triển khai ở những khu vực có nguy cơ cao như cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển và các đối tượng nhập cảnh từ các quốc gia lưu hành dịch bệnh.
Đặc biệt, để chủ động phòng chống dịch bệnh Marburg xâm nhập vào địa phương và lây nhiễm sang người, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, ngày 6/4, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 766/UBND-VX5 về việc tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg. Trong đó, đã yêu cầu Sở Y tế chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra, không để bị động; sẵn sàng nhân lực, thuốc, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch bệnh Marburg và các dịch bệnh trên người khác.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và các cơ sở y tế, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, điều trị, và xử lý triệt để, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Cùng với đó là tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn.
UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát tình hình dịch bệnh Marburg trên thế giới, tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, nhất là người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày. Tăng cường truyền thông về tình hình dịch bệnh Marburg và các biện pháp phòng bệnh. Bảo đảm kinh phí, sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch...
Có thể thấy, Quảng Ninh đã kịp thời có các chỉ đạo và khởi động nhanh chóng các biện pháp giám sát, phòng chống dịch Marburg. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người và lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp. Do đó, việc phòng chống từ mỗi cá nhân hay cộng đồng là một giải pháp rất quan trọng.
Tổ chức Y tế thế giới cũng đã nhận định, việc kiểm soát bùng phát dịch bệnh do virus Marburg dựa vào việc sử dụng một loạt các biện pháp can thiệp, cụ thể là quản lý ca bệnh, giám sát bao gồm truy tìm người tiếp xúc, dịch vụ xét nghiệm tốt, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm bao gồm chôn cất an toàn và đàng hoàng cũng như vận động xã hội. Sự tham gia của cộng đồng là chìa khóa để kiểm soát thành công các đợt bùng phát Marburg. Nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ lây nhiễm Marburg và các biện pháp bảo vệ mà các cá nhân có thể thực hiện là một cách hiệu quả để giảm sự lây truyền sang người.
Chính vì thế, người dân cần cảnh giác, thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng chống. Đặc biệt là nắm các thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Marburg để áp dụng các biện pháp phòng bệnh phù hợp, hiệu quả.
Ý kiến ()