Mua sắm Tết online lên ngôi
Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, không khí mua bán hàng hóa phục vụ Tết đã rộn ràng, tấp nập. Cùng với cách thức mua hàng truyền thống tại các chợ, cửa hàng, siêu thị, xu hướng mua hàng online lên ngôi đã và đang giúp khách hàng mua sắm dễ dàng và thuận tiện, nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, nhiều đối tượng cũng lợi dụng thời điểm này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nên người dân cần hết sức cảnh giác.
Mua sắm tiết kiệm, thiết thực
Tranh thủ giờ nghỉ trưa tại cơ quan, chị Hồ Thị Thu Hằng, nhân viên ngân hàng tại TP Hạ Long “lướt” các trang thương mại điện tử đặt mua đồ Tết online thay vì trực tiếp đến cửa hàng để tiết kiệm thời gian, lại được giá tốt. Chị Hằng chia sẻ: Làm kiểm toán của một doanh nghiệp, công việc cuối năm dồn dập, tôi vừa phải làm thêm ngoài giờ, vừa phải lo dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa cho gia đình, lo đối nội, đối ngoại dịp Tết... Vì vậy quỹ thời gian rất eo hẹp. Từ ngày biết cách mua hàng online, tôi tranh thủ lựa chọn mua hàng trên các sàn thương mại điện tử thay vì đi mua trực tiếp.
Theo chị Hằng, ưu điểm của mua sắm online là tiếp cận được đa dạng mặt hàng trong thời gian ngắn, có thể so sánh mức giá ngay và thường tận dụng được nhiều voucher ưu đãi, giảm giá. Người mua cũng không phải xếp hàng thanh toán trực tiếp mà sử dụng thanh toán online không dùng tiền mặt nên đỡ tốn thời gian.
Ngoài ra, nhiều khách hàng cũng lựa chọn theo dõi các buổi livestream trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để được tư vấn hoặc có chương trình khuyến mãi sâu. Theo anh Trần Anh Khoa, (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) phần lớn các hàng hóa chuẩn bị cho Tết năm nay được anh mua từ các buổi xem livestream và canh hàng online giảm giá. Việc mua hàng livestream giúp anh tương tác với người bán, được hỏi kỹ về chất liệu, món hàng, đặc biệt giảm giá rất sâu.
Cũng giống như chị Hằng, anh Khoa, dịp cuối năm, phần lớn các người trẻ, nhân viên văn phòng lựa chọn mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử. Xu hướng mua hàng dịp Tết chủ yếu tập trung các mặt hàng về làm đẹp, thời trang, điện tử, nội thất nhà cửa, thực phẩm. Là những người trẻ khá thành thạo công nghệ, xu hướng mua hàng online nên phần lớn tệp khách hàng này chọn lựa khá kỹ càng, chỉ mua các mặt hàng thực sự cần thiết, chú trọng đến chất lượng sản phẩm thay vì chỉ chú ý đến giá cả.
Hiện nay, xu hướng bán hàng online đã được các doanh nghiệp tích cực cập nhật và sử dụng rất phổ biến. Để thu hút người tiêu dùng dịp Tết, các nhà bán hàng trên mạng được khuyến cáo đẩy mạnh ngân sách chạy quảng cáo cao hơn 10-30% so với ngày thường. Thời điểm chạy quảng cáo lý tưởng nhất là từ 3-6 tuần trước Tết với cả hai hình thức chạy nội sàn (quảng cáo tìm kiếm) và ngoại sàn (quảng cáo trên mạng xã hội).
Bên cạnh việc bán trên các sàn thương mại điện tử, các đơn vị còn chủ động mở nhóm chat trên zalo để chào bán sản phẩm và tương tác với khách hàng. Chị Nguyễn Thuý Hà, Giám đốc HTX Nông - Lâm - Ngư nghiệp Việt Hưng (TP Hạ Long), chia sẻ: Bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa để bán trực tiếp ở cửa hàng, tôi liên tục cập nhật các mặt hàng Tết trong nhóm zalo. Đây đều là nhóm khách hàng thân thiết đã mua hàng nhiều lần, yên tâm về nguồn gốc, chất lượng nên chỉ cần hàng gì, khách nhắn là cửa hàng sẽ giao ngay. Thời gian vận chuyển trong ngày, đôi khi chỉ mất 1-2 tiếng, khách muốn nhận giờ nào cũng đều giao được.
Cũng theo chị Hà, dịp Tết khách hàng ưu tiên lựa chọn các mặt hàng thiết yếu và nông sản địa phương. Do đó, chị tập trung nhập các mặt hàng nông sản của bà con các xã Bằng Cả, Dân Chủ, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng (Hạ Long) như: gà, gạo nếp nương, kho nhục, khoai sọ, các loại rau củ… Ngoài ra, chị cũng nhập nhiều các loại hàng phục vụ nhu cầu dịp Tết của khách hàng như: măng, miến Bình Liêu, mắm Vân Đồn, trà hoa vàng Quy Hoa Hải Hà… Lượng hàng tiêu thụ dịp này tăng gấp 5 lần ngày thường.
Cảnh báo lừa đảo mua hàng online
Mặc dù mua hàng online có nhiều tiện lợi nhưng không ít lần khách hàng cảm thấy thất vọng khi nhận hàng mua online do người bán giao sai màu sắc, kiểu dáng, kích cỡ, thậm chí sai mặt hàng nhưng khi liên hệ với shop thì không nhận được phản hồi hay bị chặn liên lạc ngay. Hoặc nếu đổi trả được thì việc hoàn tiền cũng khá mất thời gian. Ngoài ra, khi mua hàng online, khách hàng cũng dễ bị các đối tượng lợi dụng, trà trộn hàng kém chất lượng nhằm kiếm lợi nhuận.
Đặc biệt, lợi dụng việc mua sắm cao điểm cuối năm, các đối tượng lừa đảo thực hiện thủ đoạn giả danh nhân viên giao hàng (shipper) để lừa chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), khi đã có được thông tin, các đối tượng lừa đảo sẽ giả danh là shipper gọi giao hàng vào giờ hành chính hoặc khi khách hàng không có nhà. Nếu người nghe nói không nhận hàng được, các đối tượng sẽ thúc giục nạn nhân nhận hàng qua người quen, hàng xóm để đảm bảo doanh số và yêu cầu chuyển tiền thanh toán đơn hàng.
Sau khi nhận được tiền, các đối tượng lừa đảo có thể sẽ tiếp tục dùng nhiều lý do như: Nhắn nhầm tài khoản thanh toán hội viên để hù dọa trừ tiền yêu cầu nạn nhân nhấn vào đường link mà chúng cung cấp để khai báo huỷ tư cách hội viên; báo chuyển nhầm đơn hàng sau đó lừa nạn nhân nhấn vào đường link khai báo thông tin khách hàng để được hoàn lại tiền... Đối tượng sử dụng thông tin mà nạn nhân khai báo để tấn công chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền của nạn nhân rồi cắt đứt liên lạc.
Để chủ động phòng ngừa với thủ đoạn lừa đảo trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không ấn vào bất cứ đường link nào do người lạ gửi tới để tránh “mắc bẫy” lừa đảo. Bên cạnh đó, khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, phải dừng giao dịch ngay và trình báo vụ việc đến cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý.
Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã đưa ra cảnh báo lừa đảo khi mua sắm trực tuyến dịp cuối năm. Theo đó, lợi dụng thời điểm cuối năm có nhiều dịp lễ như Giáng Sinh, năm mới cùng với hàng loạt các sự kiện sale lớn cuối năm, các đối tượng lừa đảo đã tung ra những chiêu trò khiến nhiều người dân sập bẫy. Cụ thể, lợi dụng tâm lý “săn sale” (săn mã giảm giá, ưu đãi), các đối tượng xấu sẽ chủ động tiếp cận nạn nhân qua các email, tin nhắn khuyến mãi giả mạo từ các sàn thương mại điện tử quen thuộc như Shopee, Lazada, Tiki.
Ngoài ra, lợi dụng tính năng phân tích thói quen người dùng của các nền tảng mạng xã hội, đối tượng tạo các trang fanpage giả mạo hoặc website giả mạo giống hệt với trang chính thống của các thương hiệu lớn để tiếp cận nạn nhân qua quảng cáo về những sản phẩm mà nạn nhân đang quan tâm, từ đó dẫn dụ nạn nhân đặt mua với mức chiết khấu cao nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Trước tình hình lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng vào dịp cuối năm, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên thận trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội hoặc qua hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, người dân cần xác minh danh tính đối tượng, tìm hiểu độ uy tín của người bán và chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng, không chuyển tiền đặt cọc trước để tránh bị chiếm đoạt tài sản. Nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như thẻ CCCD, thông tin tài khoản ngân hàng; không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận nhận được mà không tốn sức lao động.
Đặc biệt, người dân không chuyển khoản, không cung cấp mã OTP cho cá nhân không quen biết; cần cẩn trọng và xác minh kỹ các thông tin tiếp nhận từ mạng xã hội và các cuộc gọi không rõ danh tính; không nên truy cập bất kỳ liên kết hoặc tệp đính kèm nào nhận được từ những nguồn không rõ ràng.
Dù bằng hình thức mua sắm nào thì mỗi người dân luôn cần chủ động, tỉnh táo, lựa chọn hàng hóa từ các địa chỉ uy tín, chất lượng, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của cá nhân, gia đình.
Ý kiến ()