Món ngon nơi miền biên giới Hải Hà
Hải Hà không chỉ được biết đến với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ của rừng, của biển, của những cung đường tuần tra biên giới trải dài và những di tích lịch sử lâu đời, mà còn thu hút du khách bởi nền ẩm thực phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây gắn với tập quán canh tác, sản xuất từ bao đời nay của người dân. Sự kết hợp tinh tế giữa nguyên liệu tươi ngon của rừng và biển cùng cách chế biến độc đáo, ẩm thực Hải Hà đã chinh phục nhiều thực khách bởi hương vị đặc trưng không thể trộn lẫn.
Tinh túy từ những búp chè xanh
Hải Hà tự hào là vùng chè ven biển duy nhất của cả nước, nơi những đồi chè xanh mướt được nuôi dưỡng bởi khí hậu trong lành kết hợp với nắng, gió của biển. Chính sự đặc trưng ấy đã làm nên hương vị độc đáo của trà Hải Hà. Mỗi chén trà không chỉ là tinh túy của đất trời, đêm ăn sương biển, ngày hưởng gió núi, mà còn là sự kết tinh từ tấm lòng, tình yêu, công sức của người làm trà Hải Hà, những con người đã gắn bó bao đời với cây chè, vun xới, chăm sóc cho từng búp chè xanh tươi. Bởi vậy, hương vị thanh mát, thơm ngon đặc trưng của trà Hải Hà sẽ đánh thức mọi giác quan và cả tình yêu văn hóa trà Việt trong mỗi thực khách khi có dịp được thưởng thức.
Song không dừng lại là một thức uống mang trong mình những tinh hoa văn hóa truyền thống, từ những lá chè xanh tươi, người dân trồng chè Hải Hà đã biến tấu thành rất nhiều món ăn gắn với đặc trưng bản địa, vừa đủ dinh dưỡng, vừa hấp dẫn thực khách, có thể kể đến, như: Tôm rang búp trà non, cá chiên hồng trà, thịt, cá kho lá trà, búp trà tẩm bột chiên, gà hấp hoặc nướng lá trà xanh, salat trà xanh, xôi trà ô long hạt sen, hay các món ăn vặt như: Kẹo lạc giòn có vị bột lá trà già phơi khô tán mịn, bánh bao trà xanh, chè lam trà xanh, trà sữa thạch trà xanh…
Hương vị của các món ăn từ lá trà có vị thanh khiết và thơm ngon đặc trưng, không chỉ mang lại sự hấp dẫn, mới mẻ cho món ăn thường ngày mà còn có lợi cho sức khỏe. Nguyên liệu có thể là lá chè tươi, bột trà xanh, trà sấy khô, hay thậm chí là nước trà và khi kết hợp với các loại thực phẩm, nguyên liệu khác nhau lại cho ra những hương vị khác nhau. Và khi thu về, những món ăn được làm từ trà dường như càng thêm tinh tế, tròn vị.
Những búp lá chè xanh có thể chế biến thành món búp trà tẩm bột chiên giòn tan được coi như một loại “snack” riêng có của người dân vùng trồng chè. Những búp lá chè xanh tươi non được hái sớm, rửa sạch bụi đất. Bột chiên thường được làm từ bột giòn, pha trộn cùng nước và trứng gà. Những búp trà tươi được thả vào bột rồi chiên ngập dầu. Khi lá trà được chiên phồng và có màu vàng đẹp mắt là có thể thưởng thức. Lá trà sau khi chiên giòn vẫn giữ nguyên vị chát nhẹ tự nhiên mà không hề đắng.
Món xôi trà ô long hạt sen được chế biến từ gạo nếp đã nấu chín trộn đều cùng hạt sen và lá trà ô long rang khô. Món xôi này có màu hồng nâu đặc trưng từ lá trà ô long quện với hương vị dẻo thơm từ gạo nếp và bùi ngậy từ hạt sen.
Gà nướng hay hấp với lá trà xanh làm cho món thịt gà vốn rất quen thuộc thêm thơm ngon và bổ dưỡng. Vị thanh mát của lá trà xanh được nhồi vào trong thịt gà kết hợp với vị ngọt tự nhiên của thịt khiến món ăn trở nên hài hòa không chỉ về hương vị mà còn có giá trị dinh dưỡng cao.
Mỗi món ăn một hương vị khác nhau song sự kết hợp rất sáng tạo đưa lá trà trở thành nguyên liệu, gia vị cho các món thịt, cá, hải sản hàng ngày đã mang đến cho thực khách một trải nghiệm ẩm thực thú vị, khác biệt đầy cuốn hút khi về với mảnh đất biên giới Hải Hà. Chị Phạm Thị Thanh Hương, CEO Trà Việt Tú, chia sẻ: Là đơn vị sở hữu vùng trồng chè ven biển rộng 15 hecta tại xã Đường Hoa, cũng là đơn vị sản xuất trà biển hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam, Farm Trà Việt Tú cũng đi đầu trong việc sáng tạo ẩm thực từ trà để phục vụ du khách khi đến thăm những đồi chè xanh mướt tại Hải Hà. Thông qua những món ăn làm từ trà, chúng tôi muốn giới thiệu nét đặc trưng của vùng đất chè, giúp du khách tận hưởng và khám phá, trải nghiệm thú vị về văn hóa ẩm thực độc đáo của nơi này và đưa các sản phẩm trà từ vùng chè Hải Hà đến gần hơn với du khách bốn phương bởi các món ăn từ trà không quá khó để thực hiện trong các bữa cơm gia đình hằng ngày.
Thể hiện văn hóa bản địa đậm nét
Là địa phương miền núi biên giới giáp biển có trên 27% đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, vì vậy, ẩm thực Hải Hà phong phú bởi chính đặc trưng canh tác, sản xuất của đồng bào các dân tộc. Tương tự như các địa phương miền Đông của tỉnh, Hải Hà cũng có rất nhiều các loại bánh truyền thống độc đáo, như: Bánh chưng cơm lông, bánh coóc mò, bánh khúc, bánh đúc, bánh gio, bánh lá dứa… Mỗi loại bánh với cách làm khác nhau song đều từ các nguyên liệu cơ bản như gạo, đỗ, tượng trưng cho sự ấm no, đủ đầy, mùa màng bội thu theo quan niệm của người làm nông nghiệp.
Bánh chưng cơm lông là loại bánh rất phổ biến trong ngày lễ, Tết, cưới hỏi ở Hải Hà. Điều làm nên sự khác biệt của bánh chưng cơm lông với các loại bánh chưng khác là nhân của nó. Ngoài những nguyên liệu cơ bản như các loại bánh chưng khác gồm thịt lợn, gạo, đỗ, hạt tiêu thì còn có thêm lá cơm lông xay nhuyễn. Đây là một loại lá cây mọc nhiều ở địa phương, có hương thơm, tính mát, vị ngọt bùi, có tác dụng thanh nhiệt, tăng cường sức khoẻ. Khi được nấu chín hoặc xay nhuyễn, lá cây cơm lông có màu đỏ tía, đẹp, bắt mắt. Bánh chưng cơm lông là một trong số các sản phẩm OCOP của huyện Hải Hà được du khách gần xa yêu thích.
Bánh đúc là một trong các loại bánh bình dân tồn tại từ khá lâu đời trong ẩm thực Việt Nam. Bánh đúc thì có thể ăn quanh năm, nhưng ngon hơn cả là vào mùa thu đông. Sáng sớm mùa thu se lạnh được thưởng thức bát bánh đúc nóng hổi lót dạ là lựa chọn của rất nhiều người dân ở Hải Hà. Món bánh đúc trắng mịn, mềm với nhân thịt băm xào cùng mộc nhĩ, hành phi thơm bùi chan nước mắm chua ngọt vừa miệng. Với bánh đúc Hải Hà, yếu tố quan trọng để tạo nên hương vị thơm ngon chính là ở bột gạo. Bột gạo được lựa chọn là gạo bao thai, loại gạo đặc sản của Hải Hà. Khó nhất có lẽ chính là khâu hấp bánh, phải vô cùng tỉ mỉ và khéo léo, để đảm bảo bánh chín dền mà không quá nhão hay quá khô.
Dù cuộc sống ngày càng hiện đại, tập quán sinh hoạt, sản xuất của bà con đồng bào dân tộc Dao Thanh Y xã Quảng Đức cũng có nhiều đổi thay song nét văn hóa truyền thống nói chung, ẩm thực truyền thống nói riêng vẫn được bà con gìn giữ, trao truyền. Món bánh lá dứa từ bao đời được người dân thường gói mang theo mỗi khi đi nương, đi rừng được làm bằng gạo nếp với nhân lạc rang hoặc đỗ đen đã được trộn muối và gia vị. Điểm đặc biệt chính là ở cách gói bánh bằng lá của cây dứa rừng, qua đôi bàn tay khéo léo của bà con, chiếc bánh được tạo nhiều hình thù độc đáo như hình vuông, hình trụ, hình lục giác, hình thoi…
Với lợi thế ven biển, vì vậy nhắc đến ẩm thực Hải Hà thì phải kể ngay đến các món hải sản đa dạng, phong phú mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này, như bào ngư đen, rong biển đen, cua, ghẹ, tôm, mực, ốc đá, ốc móng tay… Đặc biệt khi đến với hòn đảo hoang sơ, thơ mộng Cái Chiên, du khách sẽ không chỉ được tận hưởng, đắm mình trong thiên nhiên tươi đẹp, dạo chơi giữa rừng phi lao xanh ngút ngàn và làn nước biển trong xanh như ngọc mà còn được thưởng thức hải sản tươi ngon. Với hải sản tươi sống nên người dân trên đảo chế biến khá đơn giản thường là hấp, nướng cùng một vài gia vị ăn kèm như sả, ớt, gừng, riềng để tạo mùi thơm mà vẫn giữ vị ngọt đậm đà của từng loại hải sản.
Văn hóa ẩm thực Hải Hà là một bức tranh đa dạng sắc màu. Thông qua sự phong phú, tinh tế của ẩm thực đã thể hiện nét đặc sắc, riêng có về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như nét văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc địa phương. Văn hóa ẩm thực được xem như yếu tố chủ đạo trong mọi hành trình du lịch, làm cho mỗi chuyến đi trở nên thú vị, hấp dẫn, nhiều trải nghiệm hơn. Vì vậy, đối với sự phát triển của du lịch Hải Hà, hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa ẩm thực luôn được địa phương quan tâm, đầu tư, nâng tầm trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Toàn huyện hiện có 23 sản phẩm OCOP, tiêu biểu là nhóm OCOP thực phẩm, như: Chanh đào mật ong, mật ong Hoàng Việt, khau nhục, bánh kẹo Xuân Thế, mực cấp đông, tôm cấp đông, trà hoa vàng Quy Hoa... Thời gian qua, huyện đã triển khai Đề án “Xây dựng NTM và phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng và liên kết các mô hình sản xuất gắn với phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng theo hướng bền vững. Với định hướng phát triển đúng đắn, những sản vật, đặc sản độc đáo của mảnh đất miền biên giới Hải Hà đã và đang ngày càng vươn xa, khẳng định được uy tín, thương hiệu trên thị trường, trở thành những “sứ giả” du lịch của Hải Hà nói riêng và Quảng Ninh nói chung.
Ý kiến ()