Mô hình hay trong đầu tư điểm vui chơi cho trẻ em
Những năm qua, thực hiện các chủ trương, kế hoạch, chương trình về chăm sóc và giáo dục trẻ em, tỉnh đã chi một lượng tiền ngân sách không nhỏ vào việc đầu tư các điểm vui chơi cho trẻ em tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Những điểm vui chơi này thường được đặt trong các khu dân cư. Tuy nhiên, do cách thức quản lý, vị trí xây dựng, quy mô đầu tư còn có những bất cập, chưa hợp lý, nên hiệu quả sử dụng của nhiều điểm vui chơi không cao.
Chẳng hạn như đơn vị quản lý ở mỗi nơi một khác; có những điểm đặt quá xa nơi tập trung dân cư, không thuận tiện cho trẻ em đến vui chơi; các thiết bị, đồ chơi được đầu tư, lắp đặt nghèo nàn, không đa dạng về chủng loại, kích cỡ, thiếu sự sinh động, hấp dẫn con trẻ… Bởi vậy, nhiều điểm vui chơi chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động đã nhanh chóng xuống cấp, để hoang hoá, đồ chơi bị hỏng hóc, han gỉ... gây nhiều lãng phí. Trong khi đó nhu cầu được vui chơi, giải trí của trẻ em ở những nơi công cộng ngày càng gia tăng…
Trước thực trạng này, để tìm lời giải cho bài toán nâng cao hiệu quả sử dụng của các điểm vui chơi trẻ em, sau khi điều tra, khảo sát, từ năm 2010 huyện Đông Triều đã có sáng kiến quy hoạch, di dời các điểm vui chơi nhỏ lẻ ở các xã, thị trấn vào khuôn viên của các trường mầm non trên địa bàn. Hàng năm, huyện đều dành từ 70-80% ngân sách hỗ trợ thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em của địa phương để đầu tư, xây dựng, trang sắm, nâng cấp cho các điểm vui chơi này. Mỗi điểm vui chơi trung bình được đầu tư khoảng 200 triệu đồng, có mái che mưa nắng, các trang thiết bị, đồ chơi đảm bảo mới, hiện đại. Với cách làm này, tính đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã có gần 50 điểm vui chơi cho trẻ em nằm trong các trường mầm non, với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi của trẻ nhỏ. Trong đó, chỉ tính riêng những tháng đầu năm nay, huyện đã đầu tư thêm 4 điểm vui chơi ở các xã Bình Dương, An Sinh, Xuân Sơn và Thuỷ An…
Nhận xét về chủ trương, cách làm này của huyện, cả lãnh đạo các trường mầm non và các bậc cho mẹ có con nhỏ đều phấn khởi và cho là hợp lý. Lãnh đạo các trường vui vì sẽ có điểm vui chơi hiện đại, với nhiều trang thiết bị được đầu tư trong trường, nên hỗ trợ và tạo nhiều thuận lợi để đơn vị tổ chức các hoạt động vui chơi cho học sinh, trẻ em. Còn các bậc phụ huynh thì thấy yên tâm, tin tưởng hơn khi con em mình được vui chơi ở nơi có nhiều trang thiết bị, an toàn, sạch sẽ, có người trông coi, hướng dẫn, quản lý…
Với cách làm này của Đông Triều, thì cùng một lúc đã đạt được hai mục đích. Cụ thể là đã khắc phục được những bất cập trong đầu tư, sử dụng, quản lý và phát huy hiệu quả của các điểm vui chơi mà nhiều địa phương khác đã và đang vấp phải khi xây dựng trong các khu dân cư. Bên cạnh đó còn có cái lợi là tăng cường thêm cơ sở vật chất, điểm vui chơi đảm bảo chất lượng cho các trường mầm non trên địa bàn, mà các trường không phải đầu tư thêm kinh phí…
Với mô hình hay này của Đông Triều, thiết nghĩ các địa phương khác trong tỉnh cần nghiên cứu, học tập để tạo ra nhiều sân chơi thực sự hữu ích và an toàn cho trẻ em. Không những thế, mô hình còn góp phần tiết kiệm chi cho ngân sách một khoản không nhỏ…
Thanh Tùng
Ý kiến ()