KHCN "mở đường” cho giáo dục cất cánh
Với mục tiêu lấy người học làm trung tâm, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Quảng Ninh đang chú trọng đổi mới chất lượng dạy và học thông qua việc tăng cường sự có mặt của công nghệ cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số ở tất cả các cấp học.
Nền giáo dục mở, thích ứng trên nền tảng số
Tiết học Tiếng Anh của lớp 6A1, Trường THCS Lê Văn Tám (TP Hạ Long) trở nên sinh động, hấp dẫn và tạo được nhiều hứng thú hơn khi được tổ chức trong phòng học thông minh - nơi mà công nghệ thông tin là chất dẫn cho những bài học. Hệ thống máy vi tính, máy chiếu, âm thanh, ánh sáng… giúp cho bài giảng của giáo viên sống động, nhiều màu sắc được chuyển tải đến học sinh hiệu quả hơn. So với những bài giảng thông thường, thì sử dụng phòng học thông minh sẽ cho các em cái nhìn trực quan sinh động với những sự kiện, nhân vật cụ thể, giúp kích thích tư duy của học sinh tốt hơn. Em Hoàng Diệu Linh, học sinh lớp 6A1, Trường THCS Lê Văn Tám cho biết: Nhờ có công nghệ, những bài giảng của thầy cô trở nên sống động hơn, việc tiếp thu kiến thức cũng trở nên dễ hiểu, thú vị hơn.
Ở Trường THCS Lê Văn Tám, việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục. Hiện 100% giáo viên của nhà trường đang áp dụng cách thức dạy học này. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thái, giáo viên Trường THCS Lê Văn Tám cho biết: Các phòng học thông minh, hoặc phòng học được đầu tư thiết bị công nghệ thông tin được giáo viên khai thác triệt để, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngoài ứng dụng công nghệ vào dạy học, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng đang chú trọng chuyển đổi số vào các khâu quản lý, vận hành. Tiêu biểu như tại Trường THCS Quảng Nghĩa (TP Móng Cái) đã ứng dụng CNTT trong việc điểm danh, quản lý học sinh đến và rời trường thông qua việc quét thẻ học sinh có gắn mã QR, báo tin nhắn về cho phụ huynh trên hệ thống zalo OA. Việc quét mã điểm danh gửi tin nhắn về cho phụ huynh đã nhận được phản hồi rất tích cực từ các bậc phụ huynh, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý học sinh.
Ngoài Trường THCS Quảng Nghĩa, năm học này, 10/16 trường THCS khác trên địa bàn TP Móng Cái cũng triển khai quản lý điểm danh học sinh đến trường và rời khỏi nhà trường qua hệ thống thu thập khuôn mặt hoặc mã QR. Việc sử dụng các hệ thống dạy học trực tuyến miễn phí như Google Meet, Zoom và sử dụng hệ thống LMS Google classroom cho việc quản lý, giao bài tập, cung cấp tài liệu học tập trực tuyến cho học sinh được các trường thực hiện thường xuyên. Các cơ sở giáo dục cũng đã tiến hành quản lý, điều hành hoạt động tuyển sinh, giảng dạy, học tập bằng công nghệ điện tử để nâng cao hiệu quả; xây dựng kho học liệu số dùng chung trên nền tảng Google Drive để thuận tiện cho việc chia sẻ tài nguyên, phục vụ giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Đưa internet vạn vật, AI, Blockchain vào dạy học
Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong giáo dục đào tạo đang tác động tích cực đến công tác quản lý, dạy và học tại các cơ sở giáo dục tại Quảng Ninh. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục có kết nối internet tốc độ cao, đảm bảo yêu cầu về kết nối mạng phục vụ cho các giao dịch điện tử, trao đổi thông tin và khai thác internet trong các hoạt động giảng dạy và quản lý. Hơn 2.000 học liệu số và 4.887 bài giảng điện tử đã được xây dựng, chia sẻ trong toàn ngành giáo dục. 100% các cơ sở giáo dục phổ thông tích hợp nội dung chuyển đổi số trong chương trình giáo dục; gần 100% cán bộ quản lý có chữ ký số; 96,14% giáo viên có chữ ký số đáp ứng yêu cầu triển khai học bạ số; trên 98,02% học sinh tiểu học hoàn thành phát hành học bạ số lên Kho học bạ của Bộ GD&ĐT theo quy định.
Từ nay đến năm 2025, ngành GD&ĐT tỉnh cũng đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục. Ngành cũng phấn đấu đến năm 2030, tất cả các thành tố trong hệ thống giáo dục của tỉnh được đưa vào môi trường số. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN, khai thác và sử dụng hiệu quả phương tiện, thiết bị công nghệ thông tin nhằm đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục, từng bước xây dựng nền giáo dục mở, thích ứng trên nền tảng số.
Đáng chú ý, tại TP Hạ Long, để nâng cao hiệu quả trong công tác dạy và học, các cơ quan quản lý của địa phương đang tập trung triển khai việc chuyển đổi số trong giáo dục nhằm xây dựng một hệ sinh thái học tập thông minh, nơi học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và nhà trường có thể dễ dàng kết nối, tương tác với nhau. Trong đó, thành phố đưa ra các kế hoạch trong tương lai sẽ phát triển các công nghệ hiện đại vào giáo dục như internet vạn vật (IoT), đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy, dữ liệu lớn và Blockchain sẽ được ứng dụng rộng rãi từ giáo dục mầm non đến trung học, nhằm hiện đại hóa hệ thống giáo dục và xây dựng môi trường học tập toàn diện, kết nối; tạo điều kiện để cá nhân hóa việc học, quản lý thông tin học sinh, giáo viên một cách khoa học và chính xác.
Ý kiến ()