“Mắt thần”
Hiệu quả của những “mắt thần” này đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty này thật không ngờ. Từ những vụ việc vi phạm của người lao động bị xử lý, với hình thức nhắc nhở đến buộc thôi việc, đã tạo cho người lao động ý thức tự giác cao hơn. Quan trọng là “mắt thần” đã giúp người quản lý, điều hành sản xuất kiểm tra, giám sát, nhất là cảnh báo về an toàn lao động, bảo vệ tài sản. Tác dụng cảnh báo vô tư của “mắt thần” đã tạo ra môi trường hoạt động được kiểm soát tốt hơn, giúp người lao động và người quản lý lao động thực hiện nghiêm túc chức trách của mình.
Chúng ta đều biết, tại các siêu thị, ai cũng có thể bỏ túi đồ vật mà không ai nhìn thấy, thế nhưng kẻ trộm cũng không dám “ra tay” làm thế. Vì sao? Vì có “mắt thần”. “Mắt thần” đã giám sát, ghi hình từng động tác của khách hàng từ nhiều góc độ.
Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, tại một hội nghị của tỉnh về công tác này, một số đồng chí có trách nhiệm đã có những ý kiến xác đáng. Đó là, cần “đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức” và “bổ sung, hoàn thiện chế tài xử lý”. Trong xử lý án tham nhũng “phải có sự thống nhất cao”. Người làm công tác này phải “chọn được những cán bộ có tâm, đủ tầm”... Tất cả những ý kiến này đều tựu trung vào việc “chống” như chống bệnh. Có bệnh rồi thì phải chống, nhưng việc phòng bệnh mới là căn bản.
Để việc phòng, chống tham nhũng hiệu quả cũng cần “mắt thần”. “Mắt thần” ở đây chính là việc thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát trong mọi hoạt động theo quy định của pháp luật. Đi đôi với việc này là công khai những việc nhân dân được quyền biết. Kiểm tra, giám sát, công khai chính là “mắt thần” để người có quyền không dám tham nhũng, cũng như kẻ trộm không dám “chôm” hàng trong siêu thị.
Từ “mắt thần” của công nghệ, chúng ta phải có được “mắt thần” của cơ chế để giám sát mọi hoạt động, cho hoạt động hiệu quả hơn, đạt được mục đích tốt đẹp mà chúng ta kỳ vọng.
Ý kiến ()