Gout là một dạng viêm khớp xảy ra phổ biến ở khớp ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các ngón chân khác, mắt cá chân và đầu gối. Người bị gout có thể khó thực hiện hoạt động thể chất hoặc lo ngại vận động khiến bệnh nặng hơn. Song đi bộ an toàn với người bị gout. Trên thực tế, các hoạt động thân thiện với khớp như đi bộ có thể cải thiện cơn đau liên quan đến gout. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên lưu ý một số nguy cơ.
Bệnh gout cấp tính liên quan đến các đợt bùng phát riêng lẻ, gây đau dữ dội và sưng tấy. Bệnh thường khỏi trong vòng vài ngày đến vài tuần. Với bệnh gout mạn tính, các đợt bùng phát lặp lại trong thời gian dài hơn, có khả năng dẫn đến đau liên tục và cứng khớp. Dạng gout này cũng có thể dẫn đến hình thành các hạt tophi. Đây là các tinh thể urat tích tụ thành các cục u hoặc nốt sần dưới da, có thể dẫn đến tổn thương xương hoặc khớp vĩnh viễn, gây biến dạng khớp.
Tùy tình trạng, bệnh gout có thể ảnh hưởng đến đi bộ và chức năng của bàn chân như khiến tốc độ đi bộ chậm, bước ngắn hơn, giảm chuyển động mắt cá chân. Những thay đổi về dáng đi rõ rệt hơn ở người bị gout mạn tính.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), người bị gout nên bắt đầu đi với tốc độ chậm, chú ý đến các phản ứng của cơ thể và từ từ tăng thời gian cũng như tốc độ vận động. Để tránh gây chấn thương khớp hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng gout, Tổ chức Viêm khớp Mỹ khuyến cáo người bệnh nên mặc quần áo vừa vặn khi đi bộ để không bị vướng vào bất cứ thứ gì gây té ngã.
Người bệnh gout không nên đi chân trần vì có thể làm tăng khó chịu và trầm trọng thêm các vấn đề về dáng đi. Nên mang giày có đế hỗ trợ chân đi lại thoải mái. Dùng dụng cụ hỗ trợ như gậy giúp giảm áp lực lên khớp.
Ý kiến ()