“Lương y phải như từ mẫu”
Bác sĩ, liệt sĩ, Anh hùng Đặng Thuỳ Trâm là tấm gương điển hình mẫu mực của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam thực hiện theo lời Bác dạy. Sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân rất cần tinh thần xả thân vì lý tưởng cách mạng như bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm.
Hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân ngày một cao, trong khi dịch vụ y tế đáp ứng không đồng đều ở các địa phương. Thực hiện xã hội hoá hoạt động y tế đã tạo ra mạng lưới dịch vụ y tế đa dạng đáp ứng nhu cầu của nhân dân, song nó cũng đẩy xa khoảng cách khám, chữa bệnh giữa vùng đô thị và vùng sâu, vùng xa. Chúng ta không phê phán các bác sĩ bỏ bệnh viện công để hành nghề y tư nhân, bởi việc làm này đã tạo thêm cơ hội khám, chữa bệnh cho người dân, phù hợp với chủ trương xã hội hoá hoạt động y tế của Nhà nước ta. Nhưng việc các bác sĩ mới ra trường chỉ lựa chọn các bệnh viện lớn ở các đô thị lớn, hoặc các bệnh viện ngoài công lập có điều kiện làm việc tốt thì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho người dân vùng khó khăn dành cho ai?
Được biết, các Trung tâm Y tế của các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Cô Tô nhiều năm nay không có một bác sĩ mới nào về công tác. Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà mới có 7 bác sĩ, tối thiểu phải thêm 8 bác sĩ nữa, song đợt tuyển viên chức vừa rồi mới tuyển được 1 bác sĩ. Năm 2008, tỉnh Quảng Ninh cần tuyển 120 bác sĩ cho hệ thống y tế công lập nhưng chỉ có 60 hồ sơ đăng ký, mà chủ yếu đăng ký vào các bệnh viện tuyến tỉnh.
Vì sao có tình trạng trên? Có vấn đề của chính sách như lương, như tuyển dụng, có vấn đề của điều kiện làm việc, song một điều chắc chắn là do đội ngũ bác sĩ trẻ này chưa có được tinh thần tình nguyện, cống hiến, xả thân như bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm.
Chủ đề của Tháng thanh niên năm nay là “Tuổi trẻ hành động vì an sinh xã hội” sẽ là cơ hội để các địa phương vùng khó khăn được đón các bác sĩ trẻ về công tác.
Bác Hồ dạy “Lương y phải như từ mẫu” là phải có lòng trắc ẩn trước việc chăm sóc sức khoẻ cho con người. Đó cũng là nền tảng của đạo đức nghề nghiệp của người thầy thuốc.
Ý kiến ()