Lực đẩy giúp người dân thoát nghèo
Thời gian qua, cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực quan tâm, chăm lo cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm thiết thực. Qua đó, đã giúp họ có thêm động lực, tự tin vươn lên thoát nghèo, chung tay cùng tỉnh hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM.
Là địa phương vùng cao với đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, những năm qua huyện Ba Chẽ đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Bà Phạm Thị Hằng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, huyện Ba Chẽ, cho biết: Trong năm qua, huyện đã tăng cường rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều đồng thời xác định mức sống, hiệu quả kinh tế của các hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp để phân loại, từ đó có phương án hỗ trợ cụ thể. Cùng với đó, huyện cũng đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã triển khai đồng bộ các giải pháp và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho hộ nghèo, như thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập, chế độ tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề...
Với nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể cùng sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tới nay nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện đã được tiếp cận, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt. Riêng trong năm 2022, huyện đã huy động hỗ trợ phát triển kinh tế cho 204 hộ nghèo, cận nghèo với nhiều mô hình, trong đó nổi bật là mô hình chăn nuôi gà cho hiệu quả tích cực. Tính tới thời điểm này, toàn huyện đã giảm được 160 hộ nghèo và 547 hộ cận nghèo so với cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện hiện còn 0,62%, cận nghèo còn 1% theo tiêu chí đa chiều.
Chị Chìu Thị Hai, thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, cho biết: Trước đây, gia đình tôi không có công việc làm ổn định, chỉ đi làm thuê theo mùa vụ nên gặp rất nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2022, được sự quan tâm, hỗ trợ của huyện, xã, gia đình đã được hỗ trợ 150 con gà và hướng dẫn cách chăn nuôi để phát triển kinh tế. Tới giờ đàn gà đã được xuất chuồng, giúp gia đình có thêm thu nhập ổn định hơn trong cuộc sống. Thời gian tới, để phát triển ổn định kinh tế, gia đình sẽ thực hiện vay vốn, tiếp tục nhân giống, tiến tới mở rộng diện tích nuôi để từng bước ổn định cuộc sống.
Cùng với Ba Chẽ, thời gian qua, công tác giảm nghèo đã được các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện với các giải pháp tích cực. Bước vào năm 2022, với chuẩn nghèo đa chiều mới (giai đoạn 2022-2025) theo quy định của Trung ương, Quảng Ninh có 1.511 hộ nghèo (tương đương 0,41% hộ dân trong toàn tỉnh) và 5.391 hộ cận nghèo (tương đương 1,46%), đến cuối năm toàn tỉnh đã giảm được khoảng 0,11% hộ nghèo.
Để tiếp tục giảm nghèo bền vững, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết quy định về cơ chế quản lý, nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước, tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh đã mở rộng phạm vi, địa bàn thụ hưởng chương trình đến các xã, thôn, bản biên giới, hải đảo (67 xã, phường, gồm 56 xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và 11 xã đảo) và gắn nhiệm vụ phát triển KT-XH với đảm bảo vững chắc QP-AN. Cùng với đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, kết luận làm cơ sở hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai xây dựng NTM hiệu quả. Qua đó, góp phần tích cực giúp giảm nghèo bền vững tại các địa phương, nhất là ở vừng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
Có thể thấy, bằng sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, sự chung sức đồng lòng của người dân, đến hết năm 2022, 4 đơn vị cấp huyện của tỉnh là Vân Đồn, Hạ Long, Ba Chẽ, Bình Liêu cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM; huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà đạt chuẩn NTM nâng cao. Tỉnh có 98/98 xã cơ bản đạt tiêu chí NTM, 13/13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh trở thành tỉnh NTM vào cuối năm 2022.
Ý kiến ()