“Lỗ hổng” gà lậu
Tổng trị giá số gà này khoảng 600 triệu đồng. Được biết số gà trên đã được nhập lậu qua địa bàn Móng Cái và Bình Liêu.
Việc để lọt một lượng lớn gà trên qua biên giới và đã đi sâu vào nội địa, cho thấy công tác quản lý địa bàn, phòng chống buôn lậu của các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới còn nhiều sơ hở, thiếu chặt chẽ. Tình trạng buôn lậu gà qua biên giới, trong đó chủ yếu là gà thải loại của Trung Quốc nhập vào Việt Nam đã diễn ra từ nhiều năm nay. Các cơ quan chức năng cũng liên tục bắt giữ được loại hàng này ở cả khu vực biên giới và trong nội địa khi đang trên đường vận chuyển. Vì vậy có thể nói các thủ đoạn, cách thức, địa điểm đưa hàng vào nội địa các cơ quan quản lý, kiểm soát có thể nắm khá rõ. Thế mà gà nhập lậu vẫn lọt, lại với số lượng lớn như vụ việc nói trên thì rõ ràng ở đây đã có những “lỗ hổng” trong công tác phòng, chống buôn lậu. Đây là điều các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phân tích, đánh giá nguyên nhân và rút ra những kinh nghiệm, bài học để công tác phòng, chống buôn lậu hàng hoá nói chung, gà nói riêng đạt được hiệu quả cao nhất.
Mọi người đều biết, gà nhập lậu (chủ yếu là gà thải loại) với giá rẻ sẽ gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi trong nước trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhưng nó còn đặc biệt nguy hại ở chỗ do không được kiểm dịch phát hiện bệnh nên sẽ là nguồn lây dịch bệnh ra môi trường, cho đàn gia cầm ở các địa phương, trong khi dịch cúm gia cầm H5N1 vẫn chưa triệt tiêu được. Không những thế nó còn có nguy cơ gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng...
Bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ sức khoẻ người dân là trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành. Trong đó công tác phòng, chống buôn lậu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi vậy, các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương ở khu vực biên giới cần siết chặt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, khắc phục những kẽ hở trong quản lý để hàng lậu không có cơ hội vượt qua biên giới và đi sâu vào nội địa...
Ý kiến ()