Liên kết 4 nhà
Chính phủ tuy đã thấy và chỉ ra đến hơn 6 năm trước, nhưng hình như “bốn nhà” chưa thấy cần làm hoặc làm quá khó mà thả nổi. Ở đồng bằng sông Cửu Long, con cá tra dư thừa rớt giá, việc xuất khẩu gạo lựng sựng hồi đầu năm, kéo theo tình cảnh lúa tồn đọng lớn, nông dân kêu trời, Chính phủ sốt ruột lo lắng, trong khi xuất khẩu gạo vụ đông xuân rồi lãi mấy ngàn tỉ lại không vào túi nông dân mà Nhà nước cũng không thu được đồng nào!
Bây giờ đang thời điểm vào vụ đông xuân 2008-2009, việc trồng lúa giống gì cũng là thời sự được cả nước quan tâm. Giống IR 50404 đã nhập nội hơn 10 năm rồi mà chưa hết tính thời sự. Khi gạo thế giới hút hàng thì không nghe ai chê, mà giá thì cũng gần bằng gạo hạt dài. Nếu lấy năng suất và tính kháng sâu bệnh, rầy nâu, chịu phèn… của IR 50404 thì những lúc như vậy, lợi tức vẫn cao hơn. Bởi IR 50404 thuần thì xuất được loại gạo 25% tấm, nếu pha thêm gạo khác thì làm được gạo 10%, 15% vẫn xuất khẩu tốt.
Năm 2007 ta thực xuất 4,5 triệu tấn, trừ nếp và gạo thơm còn 4,2 triệu, trong đó, gạo cấp thấp 25% tấm trở xuống chiếm 30%, gạo 15% tấm chiếm 36%, còn gạo cấp cao 24%. Như vậy đã rõ: Nếu chỉ làm lúa có chất lượng cao hơn nhưng chịu nhiều rủi ro, ai bảo đảm sẽ mua cao hơn gạo IR 50404 là bao nhiêu để nông dân hạch toán? Còn nói cơ cấu giống có tỷ lệ phần trăm thì ấn cái tỷ lệ ấy cho ông nông dân nào?
Cũng như con cá tra, khi hút hàng thì trọng lượng con cá, màu sắc không phải là vấn đề gì ghê gớm, bởi khách hàng họ đặt mua thì quy cách, chất lượng đâu đã định sẵn rồi. Vậy mà khi sản lượng lúa, cá dư thừa thì họ không chê dư thừa mà “soi mói” chất lượng để hạ giá của nông dân, làm cho nông dân mịt mờ, lúng túng, thua thiệt triền miên.
Nhiều quốc gia họ không có ưu thế trời cho để sản xuất được nông - thủy sản như Việt Nam, nhưng nông dân của họ ổn định và giàu được là nhờ sản xuất nông sản hàng hóa như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… và đặc biệt là ở Israel – nơi mà thừa sỏi đá, thiếu nước ngọt trầm trọng. Suy cho cùng là họ biết gắn kết bốn nhà, mà nhà nào cũng làm hết bổn phận của họ. Còn Việt Nam ta đang là nước xuất khẩu gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, trà, cá nước ngọt… thuộc tốp đầu thế giới.
Vậy mà giá cả luôn luôn bị hạ thấp, không có thương hiệu, không ổn định thị trường… nông dân thì khi lời, khi lỗ, Chính phủ thì không chỉ phải lo làm quy hoạch, kế hoạch và ban hành chính sách… mà còn vất vả chạy tìm thị trường cho từng sản phẩm mà cũng không yên; nhà khoa học thì không biết phải làm sao để “dụng võ”; còn doanh nghiệp thì không ổn định chân hàng và khách hàng đầu ra. Rõ là cách làm như ta lâu nay thì bốn nhà đều khổ, mà nông dân là người chịu khổ trước, khổ nhiều nhất, nhưng cũng chưa từng được là người sướng sau cùng.
Cuộc suy thoái kinh tế thế giới hiện nay cũng là sự nhắc nhở rất nghiêm khắc đến vai trò phối hợp, bắt tay liên kết của “bốn nhà”.
Ý kiến ()