Lại nói về hoàn nguyên môi trường
Ai cũng biết khai thác than là phá huỷ đi những đồi núi tự nhiên. Mỗi năm, chỉ riêng ngành than đã phá đi hàng trăm quả đồi, bốc, xúc đi vài trăm triệu mét khối đất đá, đào hơn 200 km đường lò. Mặt đất bị phá huỷ, ruột đất bị đào khoét, nguồn nước, sông suối bị cạn kiệt, biến dạng, cây cối bị chặt phá vùi lấp, môi trường sống bị đe doạ. Đã xảy ra những trận lũ quét, lũ bùn, những khu dân cư bị vùi lấp v.v.. Vì thế mà không phải vô cớ, nhiều người lo rằng nếu không tổ chức tốt việc hoàn nguyên, nếu không bảo vệ được môi trường thì sẽ có ngày không còn nước cho dân sống, sẽ có những trận lũ quét, lũ bùn ghê gớm hơn, giống như trận lũ bùn mới xảy ra ở một mỏ than Trung Quốc trong tháng qua, làm 180 người chết trong nháy mắt. Mà ở tỉnh ta đâu chỉ có khai thác than, còn khai thác đất làm gạch, khai thác đá, sét, khai thác quặng sắt v.v... những hoạt động khai thác này đang tàn hại nhiều vùng đất ở Giếng Đáy (Hạ Long), Hoành Bồ, Uông Bí v.v... Những hố nước sâu ở Giếng đáy, ở Dốc Đỏ những quả đồi bị đào bới san gạt nham nhở đã từng gây chết người, gây ngập lụt ở nhiều khu dân cư mà cả chính quyền và người dân đều biết. Thế nhưng việc phòng ngừa lại chưa được chú trọng; chỉ khi sự cố xảy ra, mới lo tìm cách giải quyết. Hỏi một giám đốc doanh nghiệp, rằng khi đã khai thác hết cả một vùng đất để làm gạch, sao doanh nghiệp không chịu hoàn nguyên môi trường, ông giám đốc trả lời: Nếu vậy giá thành sản phẩm sẽ rất cao, bán sao được gạch?
Lại hỏi một cán bộ quản lý về môi trường, sao không bắt các doanh nghiệp phải thực hiện phương án hoàn nguyên thì nhận được câu trả lời:
- Mình ngành môi trường làm sao bắt được!
Cả người phải thực hiện việc hoàn nguyên và người có trách nhiệm quản lý môi trường trả lời như vậy thì việc hoàn nguyên môi trường xem ra còn nhiều bế tắc, môi trường sống của chúng ta còn tiếp tục bị phá huỷ, có thu phí môi trường gấp năm, mười lần hiện nay cũng không đủ để giữ cho môi trường trong sạch an toàn.
Ý kiến ()