
Kinh hoàng thực phẩm chức năng làm từ than tre, cà phê nhuộm pin
Những ngày qua, dư luận cả nước vô cùng bức xúc, thậm chí căm phẫn trước những hành vi sản xuất thực phẩm chức năng bằng bột than tre và nhuộm đen cà phê bằng ruột pin đèn, vừa được cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ. Và nhiều người còn ngạc nhiên hơn khi các sản phẩm chức năng giả này được trao chứng nhận giải thưởng top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017(?!). Không những thế, trong quyết định này còn có chứng nhận của Viện chống làm giả, Hiệp hội chống hàng giả, Bảo vệ thương hiệu Việt Nam...
Vụ việc phát hiện thực phẩm chức năng giả chữa ung thư được Công an quận Kiến An, Hải Phòng phanh phui mới đây, tại một cơ sở sản xuất của Công ty Vinaca tại phường Ngọc Sơn, quận Kiến An. Khi lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra cơ sở này, đã phát hiện tại đây một số công nhân đang thực hiện việc cho than tre vào các viên con nhộng và đóng gói, dán nhãn mác.
Mặc dù là hàng giả, nhưng các sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư của Công ty Vinaca đã được bán, phân phối theo hình thức đa cấp tại 19 tỉnh, thành phố trong cả nước (trong đó có Quảng Ninh) một thời gian dài, mà không được các cơ quan hữu quan phát hiện, xử lý. Điều này nói lên công tác phòng chống, ngăn chặn hàng giả nói chung, thuốc giả nói riêng còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp và còn tồn tại những lỗ hổng “chết người” trong công tác quản lý. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thuốc giả vẫn còn “đất sống” trên thị trường và đang hàng ngày, hàng giờ huỷ hoại sức khoẻ, đe doạ tính mạng của người dân...
Sau khi vụ việc được phát hiện, Bộ Y tế đã vào cuộc và xác định đây là sản phẩm thực phẩm chức năng giả. Và cơ sở sản xuất sản phẩm này chưa được cấp phép, sản phẩm cũng chưa được công bố theo quy định. Do vậy, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý...
Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, nên ngay sau khi bị phát hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quan điểm là tất cả các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm giả liên quan đều cần phải lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm theo pháp luật...
Dư luận chưa hết bàng hoàng bởi vụ thực phẩm chức năng giả làm từ bột than tre, thì ngay sau đó một vụ thực phẩm giả khác cũng lại gây rúng động khắp cả nước, được phát hiện. Đó là việc, ngày 16/4, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT bắt quả tang cơ sở chế biến nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, trú thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp đang pha trộn tạp chất vào cà phê. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục tấn cà phê bẩn cùng đất, đá được tập kết trong kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin Con ó, 2 chậu chứa 35kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và lắp pin với trọng lượng 10kg... dùng để nhuộm đen cà phê.
Bước đầu, chủ cơ sở khai nhận hành vi đến các đại lý thu mua cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn... sau đó mua các cục pin về đập bẹp, dùng lõi pin hoà với nước rồi nhuộm vào cà phê, đóng gói bán ra thị trường.
Được biết, cơ sở này đã hoạt động từ nhiều năm nay, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn được nhuộm đen bằng pin...
Vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã trở nên nhức nhối từ nhiều năm nay trong phạm vi cả nước. Nhưng có lẽ bức xúc và đáng lo ngại hơn cả là với thực phẩm, thuốc chữa bệnh giả, kém chất lượng. Bởi có những loại có thể gây chết người, ngộ độc tức thời, nhưng nhiều loại thì huỷ hoại sức khoẻ con người dần dần, gây ra những hậu quả khôn lường.
Thời gian qua, công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm “bẩn” đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, đề ra các giải pháp phòng chống, ngăn chặn. Trong đó, đáng chú ý là các chế tài, mức độ xử phạt đã được tăng cường, nâng cao để đảm bảo tính răn đe, giáo dục. Mặc dù vậy, các hành vi phạm pháp vẫn diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ vẫn rất nghiêm trọng, điển hình như hai vụ việc đã nói ở trên...
Do vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm “bẩn”, đặc biệt là thuốc giả thì biện pháp hàng đầu là phải nâng cao trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm từ khi còn manh nha. Tiếp đến là công tác phối hợp phải đồng bộ, chặt chẽ, thực chất, tránh hình thức. Và điều quan trọng nữa là việc xử lý phải thật nghiêm khắc, có tính giáo dục, răn đe cao, để không ai còn dám vi phạm. Như vậy, người dân mới thực sự an tâm khi sử dụng các loại hàng hoá, thực phẩm, thuốc chữa bệnh trên thị trường...
Thanh Tùng
Ý kiến ()