Không thể thả nổi
Không biết việc tăng giá vé này đã được sự phê duyệt, cho phép của các cơ quan quản lý hay chưa, bởi nó liên quan đến việc in ấn vé, tính toán các khoản nộp nghĩa vụ cho ngân sách Nhà nước... Theo tính toán của một số cơ quan chức năng thì việc tăng giá cước của các đơn vị, cá nhân tham gia vận tải khách trên tuyến Quảng Ninh - Hà Nội là chưa phù hợp với sự trượt giá của thị trường và các chi phí đầu vào. Nếu tính những yếu tố tác động lớn đến giá thành là chi phí tiền lương và nhiên liệu thì cũng chỉ đẩy giá thành vận tải lên tối đa khoảng 7%; còn một số yếu tố khác ảnh hưởng không đáng kể.
Người dân rất hiểu và thông cảm trước những biến động của thị trường giá cả, nhất là giá nhiên liệu đầu vào tác động mạnh đến hoạt động vận tải nói chung, chở khách nói riêng. Tuy nhiên, khi quyết định tăng giá các đơn vị, cá nhân phải tính đúng, tính đủ, sát với thực tế chứ không thể tuỳ tiện muốn tăng bao nhiêu thì tăng. Hơn nữa bên cạnh các doanh nghiệp, đơn vị còn có các cơ quan chức năng thay mặt nhà nước quản lý, giám sát các hoạt động vận tải. Lẽ nào các cơ quan này không có động thái gì, hay vì không biết, hoặc biết nhưng làm ngơ?
Hiện nay các loại hình vận tải hành khách ở nước ta nói chung, Quảng Ninh nói riêng còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ chưa cao. Cho nên hành khách không có nhiều sự lựa chọn. Vì vậy khi doanh nghiệp tăng giá cước họ vẫn cứ phải đi (vì nhiều lý do) nhưng rõ ràng tâm lý, tư tưởng không thoải mái, nhất là khi các lý do đưa ra thiếu tính thuyết phục. Đã thế còn diễn ra một nghịch lý: Giá vé thì tăng, nhưng chấtlượng phục vụ lại giảm. Đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Giao thông - Vận tải sớm kiểm tra, xem xét để giữ gìn kỷ cương, trật tự trong hoạt động vận tải khách công cộng, không để xảy ra phản ứng dây chuyền lan sang các tuyến vận tải khác.
Ý kiến ()